Thứ Bẩy, 20/04/2024 19:31:20 GMT+7

Tin đăng lúc 20-04-2020

Lượt xem: 1839

Cảnh giác với hình thức vay tiền thời công nghệ

Với sự bùng nổ của công nghệ hiện đại, nhiều mô hình cho vay online, cho vay trực tuyến đang hoạt động tại Việt Nam ngày càng phát triển nhưng lại chưa có các quy định pháp luật để phân loại rõ ràng, cụ thể. Do vậy, việc giao dịch với các mô hình này có thể tiềm ẩn nguy cơ và rủi ro cho người tiêu dùng.
Cảnh giác với hình thức vay tiền thời công nghệ
Ảnh minh họa

Chỉ với vài thao tác đơn giản, bất kỳ ai cũng có thể tải các ứng dụng cho vay trực tuyến từ Appstore đối với hệ điều hành IOS hoặc CHPlay đối với hệ điều hành Android. Có thể kể tên một số ứng dụng được cơ quan Công an triệt phá trong thời gian vừa qua như: “Vaytocdo”, “Moreloan”, “VD online”…

 

Sau khi tải ứng dụng, khách hàng cần tạo tài khoản và phải điền đầy đủ các thông tin cá nhân, cung cấp hình ảnh chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng; bắt buộc phải chọn mục “Đồng ý” trong hợp đồng cho vay điện tử, trong đó có điều khoản “người vay đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ trên máy điện thoại di động” thì mới được duyệt cho vay tiền hay không. Sau khi khách hàng hoàn tất những yêu cầu trên, ứng dụng sẽ tự động báo về hệ thống và có nhân viên của bộ phận cho vay tiếp nhận, liên lạc điện thoại với khách hàng để thu thập thêm thông tin, kiểm tra lại thông tin đã đăng ký. Nếu đáp ứng đủ các điều kiện, người cho vay và khách hàng không cần gặp mặt mà chỉ cần vài phút đồng hồ, hệ thống tài khoản của Công ty cho vay sẽ tự động chuyển số tiền mà khách hàng cần vay thông qua số tài khoản ngân hàng đã kê khai trước đó.

 

Cho vay tiền qua ứng dụng trực tuyến là một dạng tín dụng bằng công nghệ và đang lách luật để hoạt động, đồng thời hoạt động này có nhiều hành vi vi phạm pháp luật. Nhiều trang web còn đưa ra đủ chiêu trò như cho vay với lãi suất 0%/năm trong 10 ngày đầu tiên, phí tư vấn 0%, phí dịch vụ 0%; thủ tục vay siêu nhanh, siêu đơn giản với gần 100% đơn xin vay vốn được chấp nhận. Dù vậy, đã có nhiều trường hợp người vay bị “dính đòn” bởi thực tế lãi suất cho vay cao đến cắt cổ với tương đương 60%/tháng và khoảng 720%/năm. Chưa kể, khi chậm trả thì người vay bị đội lãi suất ngất ngưởng, bị khủng bố tinh thần đủ kiểu. Người vay còn có thể bị người cho vay dùng những biện pháp qua công ty môi giới để thu hồi nợ một cách không chính thống, mang tính ép buộc hay đe dọa.

 

Theo Thông tin từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết: Thời gian qua, Cục tiếp nhận nhiều dơn khiếu nại của người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội liên quan đến giao dịch vay tiền trực tuyến. Việc giao dịch với các mô hình này có thể tiềm ẩn nguy cơ và rủi ro cho người tiêu dùng, đặc biệt trong trường hợp giao dịch với các đơn vị "trá hình", "tín dụng đen núp bóng". Từ thực tế tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng đối với một số mô hình cho vay trực tuyến nêu trên, qua quá trình rà soát hoạt động của một số công ty có liên quan, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng bước đầu ghi nhận một số vấn đề bất cập và đã có thông báo khuyến cáo người tiêu dùng cần thận trọng, cân nhắc kỹ về việc sử dụng dịch vụ này. Trong trường hợp quyết định sử dụng, người tiêu dùng cần lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ có thể hiện đầy đủ thông tin, ví dụ như website hoặc ứng dụng của đơn vị đó phải có đầy đủ các thông tin về: Tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, điện thoại… Ngoài ra, website hoặc ứng dụng phải thể hiện rõ các thông tin, tài liệu liên quan đến giao dịch như công bố rõ ràng chính sách bảo vệ thông tin, mẫu hợp đồng, biểu phí, xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia giao dịch…

 

Trước những thủ đoạn tinh vi của vay tiền online qua ứng dụng, người tiêu dùng cần nâng cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không bị lợi dụng bởi những lời mời chào hấp dẫn, những điều kiện đưa ra đơn giản để tránh trở thành nạn nhân của hình thức “tín dụng đen” trá hình.

 

Bích Ngọc


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang