Thứ Tư, 24/04/2024 13:07:35 GMT+7

Tin đăng lúc 29-05-2023

Lượt xem: 939

Cần thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới vào ngành công nghiệp điện tử

Công nghiệp điện tử là ngành sản xuất chiếm vị trí then chốt trong nền kinh tế và có tác động lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp khác. Đây đang là điểm sáng trong nền kinh tế của Việt Nam. Với quy mô thị trường lớn cùng tốc độ tăng trưởng ấn tượng, Việt Nam được đánh giá có nhiều cơ hội để phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong ngành Điện tử.
Cần thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới vào ngành công nghiệp điện tử
Ảnh minh họa

Trong 6 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD của Việt Nam có sự tham gia của cả mặt hàng điện thoại và linh kiện, điện tử, máy tính. Trong đó, điện thoại và linh kiện là mặt hàng chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Tăng trưởng của mặt hàng điện thoại và linh kiện có ảnh hưởng khá lớn đến tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước.

 

Điểm mặt các “ông lớn” trong lĩnh vực điện tử sản xuất tại Việt Nam

 

Tập đoàn Samsung đến từ Hàn Quốc đã bắt đầu hoạt động sản xuất tại Việt Nam từ năm 2008 với dự án đầu tư đầu tiên là Nhà máy sản xuất điện thoại di động Samsung Electronics Việt Nam (SEV) tại Bắc Ninh, sau đó Samsung Việt Nam tiếp tục xây dựng một nhà máy sản xuất lớn nữa ở Thái Nguyên (SEVT). Hoạt động sản xuất của 2 nhà máy này đóng góp rất nhiều vào doanh thu cũng như lợi nhuận của Samsung và ngân sách địa phương, đây cũng là 2 nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất của Samsung trên toàn thế giới. Sau hơn 12 năm hoạt động tại Việt Nam, hiện nay Samsung có 6 nhà máy và đang xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Hà Nội.

 

Cùng với Samsung, Tập đoàn LG cũng là một tập đoàn lớn đã đầu tư hoạt động ở Việt Nam từ năm 1995, đến nay LG sở hữu 3 nhà máy sản xuất các mặt hàng chính gồm LG Electronics Vietnam Hai Phong chuyên sản xuất các sản phẩm điện tử; LG Innotek Vietnam Hai Phong chuyên sản xuất và bán các linh kiện điện tử và LG Display Vietnam Hai Phong chuyên sản xuất màn hình LCD và OLED.

 

Intel products Việt Nam là dự án đầu tư của Mỹ từ năm 2006 và đi vào hoạt động vào năm 2010, đây là khoản đầu tư về công nghệ cao lớn nhất của Mỹ vào Việt Nam với hơn 1 tỷ USD, đưa Intel products Việt Nam trở thành cơ sở sản xuất lắp ráp và kiểm định lớn nhất trong mạng lưới của Intel trên toàn thế giới. Bên cạnh Samsung thì Intel cũng là một cái tên giúp thu hút đầu tư lớn từ nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao nhờ vào bước tiến về công nghệ cũng như sản xuất. Đầu năm 2021, Intel tăng vốn thêm 475 triệu USD.

 

Một tên tuổi nổi tiếng khác về lĩnh vực điện tử là Foxconn Technology Group đến từ Đài Loan, tập đoàn có hàng trăm chi nhánh trên khắp thế giới. Tập đoàn Foxconn được biết đến là đối tác cung ứng, sản xuất linh kiện chính của Apple, chuyên sản xuất các thiết bị liên quan đến máy tính, hàng điện tử, công nghệ thông tin… các sản phẩm của Apple được gia công, sản xuất ở Việt Nam như AirPods, Apple Watch, iPad, Macbook.

 

Ngoài ra còn nhiều doanh nghiệp lớn khác cũng đã đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất các sản phẩm điện tử công nghệ cao với quy mô lớn ở Việt Nam như Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Goertek Vina thuộc tập đoàn Goertek Technology (Hong Kong);  Công ty TNHH Canon Việt Nam - thành viên của tập đoàn Canon - Nhật Bản…

 

Có thể thấy, ngành Điện tử và linh kiện ở Việt Nam dù mới hình thành nhưng tăng trưởng rất mạnh mẽ. Việt Nam đã vươn lên nhóm các nước xuất khẩu hàng điện tử chủ chốt, từ mức thứ 47 trong năm 2001 lên vị trí thứ 11 trong năm 2020.

 

Chiến lược nào cho phát triển công nghiệp điện tử Việt Nam?

 

Việt Nam đang đứng trước cơ hội có thể gọi là “trăm năm có một” để có thể phát triển và tham gia sâu vào chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu của các ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông.

 

Thứ nhất, yêu cầu tái cấu trúc chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, xung đột Nga - Ukraine và tác động của đại dịch Covid-19, với những lợi thế về địa chính trị, sự ổn định của kinh tế vĩ mô, độ mở của nền kinh tế lớn đã biến Việt Nam thành một điểm đến tiềm năng, là cứ điểm sản xuất lý tưởng cho các tập đoàn đa quốc gia, giúp mở ra các cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông.

 

Thứ hai, với quy mô dân số hơn 90 triệu dân, thu nhập đầu người không ngừng được cải thiện tạo ra một thị trường nội địa có quy mô đủ lớn và hấp dẫn để Việt Nam có thể linh hoạt lựa chọn chiến lược phát triển công nghiệp phù hợp trên cơ sở khai thác đồng thời thị trường trong và ngoài nước với trọng tâm là tập trung phát triển các doanh nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông trong nước có khả năng chiếm lĩnh thị trường nội địa, hướng đến gia tăng tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp trong nước trong cơ cấu xuất khẩu ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông.

 

Thứ ba, với dân số trẻ đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, Việt Nam có tiềm năng để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông…

 

Trong chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, Chính phủ đã xác định 3 nhóm ngành công nghiệp lựa chọn ưu tiên phát triển, gồm: Ngành Điện tử và Viễn thông; ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành Năng lượng mới và năng lượng tái tạo.

 

Chiến lược đã đề ra định hướng đến năm 2025, công nghiệp Việt Nam từng bước điều chỉnh mô hình tăng trưởng công nghiệp từ chủ yếu dựa trên số lượng sang dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả, đẩy mạnh phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn; gắn kết sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp. Tập trung phát triển CNHT, đặc biệt là nhóm điện tử viễn thông phục vụ sản xuất công nghiệp; sản phẩm cơ khí, hóa chất.

 

Quy hoạch cũng đề ra mục tiêu tầm nhìn đến 2030 tập trung vào 10 ngành công nghiệp chủ yếu như: Ngành Điện tử, Công nghệ thông tin; ngành Cơ khí - Luyện kim; ngành Hóa chất; ngành Dệt may - Da giày; ngành Chế biến nông lâm thủy sản, thực phẩm, Đồ uống; ngành Sản xuất vật liệu xây dựng; ngành Khai thác và Chế biến khoáng sản; ngành Điện; ngành Than; ngành Dầu khí. Điểm mới của Quy hoạch giai đoạn này định hướng phát triển CNHT tập trung vào 3 ngành Điện tử - Tin học; Dệt may - Da giày; Cơ khí - Luyện kim.

 

Có thể thấy công nghiệp điện tử đóng vai trò then chốt và đang được Việt Nam ưu tiên chú trọng với nhiều chính sách phát triển. Hy vọng thời gian tới, ngành công nghiệp điện tử sẽ tiếp tục thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới cho thị trường nước nhà trong năm 2023.

 

Trường An

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang