Thứ Năm, 28/03/2024 19:52:39 GMT+7

Tin đăng lúc 04-11-2020

Lượt xem: 2052

Cần sớm hướng dẫn cụ thể hơn nữa để người dân, doanh nghiệp phát triển điện mặt trời mái nhà

Bộ Công Thương vừa ban hành văn bản số 7088/BCT-ĐL ngày 22/9/2020 hướng dẫn phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) cũng như đầu tư trong lĩnh vực này, điểm nổi bật nhất của văn bản là: Việc định nghĩa ĐMTMN là gì? Mái nhà được hiểu như thế nào?
Cần sớm hướng dẫn cụ thể hơn nữa để người dân, doanh nghiệp phát triển điện mặt trời mái nhà
Miền Trung - Tây Nguyên hiện có hơn 5.000 khách hàng lắp đặt ĐMTMN

Một số trường hợp cũng được Bộ Công Thương hướng dẫn cụ thể như hệ thống điện mặt trời có công suất không vượt quá 01 MW nhưng không lắp trên mái nhà của công trình xây dựng có công năng độc lập; Trường hợp hệ thống điện mặt trời của trang trại với công suất trên 01 MW hoặc trên 1,25 MWp, trường hợp hệ thống điện mặt trời đấu nối và cấp điện áp trên 35 kV thì sẽ không được áp dụng giá bán ĐMTMN theo quy định tại Quyết định số 13; Một số trường hợp công suất lớn hơn 01 MW sẽ được nghiên cứu đề xuất sau. Tuy nhiên, hướng dẫn này đã giải tỏa được khúc mắc của ĐMTMN hay chưa và ĐMTMN đang phải đối mặt với khó khăn như thế nào?

 

Được hỏi, hiện nay tình trạng phát triển rất nhanh ĐMTMN, vậy sao lại có hiện tượng như vậy? Ông Hà Đăng Sơn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và Tăng trưởng xanh cho biết, thứ nhất, về mặt đầu tư thì quy mô của dự án ĐMTMN nó là tương đối phù hợp đối với khả năng đầu tư của doanh nghiệp hoặc là của hộ gia đình; thứ hai là, chi phí đầu tư của hệ thống ĐMTMN trong vài năm trở lại đây nó liên tục giảm. Chỉ so sánh, năm 2020 giá thành đầu tư giảm khoảng 60% so với năm 2019, đấy là động lực khiến cho việc lắp đặt và đấu nối ĐMTMN trở lên phổ biến, không chỉ ở miền Nam, miền Trung - những nơi nắng tốt, mà ngay cả ở niềm Bắc cũng ghi nhận rất nhiều hệ thống đã được lắp đặt. Một lý do nữa cũng rất quan trọng là, Quyết định số 13/QĐ-TTg, ngày 06/4/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện năng lượng mặt trời tại Việt Nam đã đưa ra hai cơ chế. Trong đó, ĐMTMN cũng được hưởng giá ưu đãi hơn hẳn, hơn 01 xu Mỹ tương đương so với các dự án điện trang trại mặt trời, giá thì cao hơn mà yêu cầu đấu nối, bổ sung quy hoạch là được đơn giản hóa tối đa.

 

Ông Hà Đăng Sơn cho rằng, theo chiến lược phát triển năng lượng tái tạo quốc gia được nêu ở Quyết định số 2068/QĐ-TTg, ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ, ĐMTMN là dạng hình được khuyến khích, có riêng một số quy định liên quan đến đơn giản hóa tối đa cho các thủ tục để đấu nối và bán điện lên lưới. Ngoài ra, Bộ Công Thương đã hai lần trình Chính phủ ban hành Quyết định số 11/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 liên quan đến phát triển ĐMTMN. Trong Quyết định 11 này, phạm vi của nó rộng hơn so với Quyết định 13 mới ban hành trong năm 2020 ở điểm, ngoài các mái nhà ra còn có thể là lắp đặt hệ thống điện mặt trời ở trên các cấu kiện khác. Tuy nhiên, đến Quyết định 13 thì đề xuất của Bộ Công Thương bị siết lại, chỉ tập trung cho ĐMTMN. Tức là, đặt trên mái nhà của các công trình xây dựng, không mở rộng cho diện hệ thống lắp đặt trên các cấu kiện khác nhau nữa. Trong trường hợp này, nếu căn cứ Quyết định 13 thì các dự án lắp đặt hệ thống điện mặt trời ở trên các mái nhà của khu dân cư, hoặc khu công nghiệp thì nó khá phù hợp. Dù vậy, thách thức lớn nhất là hiện tượng không bán được điện xảy ra ở các trang trại nông nghiệp, bởi các trang trại có đặc thù là, nếu trang trại có mái nhà kính ở trên thì việc đấu nối, lắp đặt ở trang trại này phải tuân thủ theo Quyết định 13 và hoàn toàn bán được lên lưới.

 

Mục tiêu đầu tiên của ĐMTMN là họ cắt giảm tiêu thụ điện của bản thân các hệ thống trong các hộ gia đình, các khu công nghiệp cũng như các dạng trang trại. Đây là lý do đầu tiên không chỉ Việt Nam, mà rất nhiều các quốc gia khác cũng có các ưu đãi đặc biệt cho các hệ thống ĐMTMN. Bên cạnh đó, hệ thống ĐMTMN còn có thuận lợi, do chúng ta cắt giảm tiêu dùng trực tiếp của các đối tượng sử dụng điện cuối cùng, nên không tạo ra áp lực hệ thống phân phối điện cũng như truyền tải điện. Hiện nay, đã có rất nhiều tuyến đường dây 110 kV, hệ thống truyền tải quốc gia đã bị quá tải, nếu làm không đúng thì nó ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống điện của quốc gia.

 

Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Tiến Dũng – Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết thêm: Những quy định về ĐMTMN đã được nêu rất rõ ràng ở trong Quyết định số 13/QĐ-TTg, ngày 06/4/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện năng lượng mặt trời, cũng như Thông tư số 18 của Bộ Công Thương năm 2020. Theo đó, ĐMTMN là những tấm quang điện được lắp trên mái của các công trình xây dựng có công suất không quá 01 MW và được đấu nối ở cấp điện áp từ 35 kV trở xuống. Vì vậy, người dân khi làm công trình xây dựng trên đất của mình thì việc sử dụng đất phải phù hợp với kế hoạch, quy hoạch. Đặc biệt, là vấn đề sử dụng đất, các cơ quan, tổ chức liên quan cần phải tuyên truyền giải thích rõ cho bà con nông dân hiểu rằng, việc phát triển ĐMTMN trên công trình xây dựng của họ thì những công trình đó phải tuân thủ, phải phù hợp với những kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất mà được chính quyền địa phương quản lý.

 

Như vậy là đã rõ, Bộ Công Thương đã có cái hướng dẫn rất cụ thể, chi tiết, người dân có thể phân biệt được đâu là ĐMTMN và đâu là điện nối lưới. Vấn đề bây giờ là cần phải xác định như thế nào để có một lộ trình cụ thể hơn đối với việc phát triển ĐMTMN. Được biết, năm 2019, Bộ Công Thương có quyết định hướng dẫn liên quan đến chương trình thúc đẩy ĐMTMN đến năm 2025, có nghĩa là, mặc dù Quyết định 13 không còn hiệu lực nữa, kết thúc vào cuối năm nay, thì chắc chắn Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu và trình Chính phủ một quy định mới mang tính đặc thù riêng cho ĐMTMN, vì các dạng điện mặt trời trang trại và kết nối bán trực tiếp trên lưới điện sẽ phải tuân thủ các quy định liên quan đến đấu giá cạnh tranh, để làm sao cho giá bán hiệu quả nhất. Còn ĐMTMN vẫn thuộc nhóm được Bộ Công Thương đề xuất với Chính phủ tiếp tục có cơ chế ưu đãi, còn ưu đãi ở mức độ nào, giá mua là bao nhiêu thì rất khó nói ở thời điểm này vì nó phụ thuộc rất nhiều ở yếu tố đầu vào.

 

Điện mặt trời mái nhà là nguồn điện sạch, nguồn tái tạo có tính chất phân tán quy mô nhỏ được tiêu thụ tại chỗ, giảm tổn thất của quá trình truyền tải, phân phối, tận dụng được hạ tầng lưới điện hiện có của ngành điện, nhiều ưu đãi được khuyến khích, nhưng nếu như thả lỏng thì lại khá nhiều hệ lụy, vì thế, phát triển là cần thiết nhưng không thể thiếu một chính sách nhất quán và rõ ràng, cũng rất khó là cứ đi mà chưa biết đi đường nào và luật ra sao?

 

Công Chuyền


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang