Thứ Năm, 28/03/2024 19:47:23 GMT+7

Tin đăng lúc 02-01-2023

Lượt xem: 654

Các tỉnh miền trung sẵn sàng hàng hóa phục vụ Tết

Các tỉnh, thành phố miền trung đã sẵn sàng hàng hóa, lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Nhiều chương trình bình ổn giá, đưa hàng về nông thôn, quảng bá hàng truyền thống, hàng Việt cũng được duy trì thực hiện nhằm kích cầu mua sắm và tiêu thụ.
Các tỉnh miền trung sẵn sàng hàng hóa phục vụ Tết
Không khí mua sắm Tết ở siêu thị Co.opmart Quảng Bình.

Bắt đầu vào dịp áp Tết, siêu thị Co.opmart Đà Nẵng đã sẵn sàng các mặt hàng lên kệ để đón khách. Năm nay, siêu thị tăng dự trữ từ 10% đến 50% so với ngày thường, tăng trung bình 20% so với cùng kỳ năm trước, với tổng giá trị hàng hóa khoảng 94,5 tỷ đồng. Phần lớn, hàng Tết được Co.opmart ưu tiên chín nhóm hàng bình ổn thị trường gồm: Gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản…

 

Còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản Tết. Giám đốc siêu thị Co.opmart Đà Nẵng, Phan Thống cho hay: “Siêu thị sẽ tăng cường nhóm hàng thực phẩm tươi sống, các món chế biến sẵn để gia tăng tính tiện lợi và tiết kiệm thời gian cho người tiêu dùng. Kèm theo đó là chuỗi chương trình giảm giá trực tiếp đến 50% cho hàng nghìn sản phẩm Tết và mười ngày cận Tết có thể tiếp tục giảm giá sâu hơn để giảm áp lực mua sắm cho người dân”.

 

Hàng hóa dự trữ tăng so với năm trước

 

Dự báo sức mua hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán năm nay sẽ tăng 7-10% so với năm ngoái. Các đại lý, cửa hàng tạp hóa, siêu thị mi-ni, chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cũng đã dự trữ và bắt đầu cung ứng hàng hóa phục vụ. Cửa hàng Hùng Việt, thị trấn Hoàn Lão (huyện Bố Trạch) là đơn vị bán lẻ chuyên cung cấp các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

 

Chị Dương Thị Việt, chủ cửa hàng chia sẻ: “Hiện chúng tôi đã nhập về nhiều loại hàng hóa thiết yếu để phục vụ người dân dịp Tết Nguyên đán. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và các chi phí sản xuất tăng nên một số hàng hóa tăng giá nhẹ nhưng lượng hàng hóa cơ bản vẫn đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trong dịp Tết”.

 

Tại các đại lý phân phối, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tiểu thương các chợ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng đã chủ động số lượng lớn hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán. Ở các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa, các shop mỹ phẩm, quần áo từ đồng bằng đến miền núi đã bày bán đa dạng các mặt hàng với giá cả các mặt hàng thiết yếu vẫn ổn định.

 

Thời điểm cuối năm, nhiều cơ sở sản xuất hàng tiêu dùng, mặt hàng đặc sản của tỉnh Quảng Ngãi rộn ràng hơn, tập trung phục vụ thị trường trong nước, phân phối tiêu thụ qua các kênh trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống. Chuyên sản xuất các mặt hàng bò khô, mỗi ngày, Công ty TNHH Anh Vũ, thành phố Quảng Ngãi sản xuất 250kg bò khô các loại. “Hàng xuất khẩu năm nay giảm 40% so với trước nên chúng tôi tập trung thị trường trong nước. Tết Nguyên đán chúng tôi cung ứng cho thị trường trong nước 15 tấn khô bò các loại và bảo đảm đủ phục vụ người dân”, đại diện Công ty TNHH Anh Vũ cho biết.

 

Theo tình hình chung, các địa phương đều đã dự trữ hàng hóa tăng từ 10 đến 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, thành phố Đà Nẵng tăng 20-30% với tổng giá trị dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm dự kiến khoảng 2.300 tỷ đồng; tỉnh Quảng Nam tăng khoảng 20-25%, trong đó, hàng thực phẩm chiếm tỷ trọng 80%, chủ yếu rau, củ, quả, thịt gia súc, gia cầm, trái cây, bánh, mứt, kẹo, hạt các loại, dầu ăn, nước mắm…

 

Các doanh nghiệp kinh doanh thương mại ở tỉnh Quảng Bình dự kiến cung ứng ước khoảng 100 tỷ đồng đối với mặt hàng bánh, kẹo, bia rượu, thực phẩm và khoảng 15.000 tấn rau, củ, quả để phục vụ Tết Nguyên đán. Tỉnh Quảng Ngãi tập trung mặt hàng thiết yếu gồm gạo, thịt, trứng, rau củ quả… hơn 2.200 tấn hàng hóa với tổng giá trị gần 182 tỷ đồng.

 

Kích cầu tiêu dùng dịp Tết

 

Năm nay, người dân xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) và các xã lân cận hào hứng tham gia phiên chợ hàng Việt được “mang” về tận xã. 33 đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố đã cung ứng các sản phẩm như bánh kẹo, mứt; sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, dệt may, thực phẩm, đồ uống... với mức giá ổn định.

 

Mua sắm các đồ dùng gia đình, thực phẩm tươi và đồ trang trí, chị Trần Thị Phương (50 tuổi) trú tại thôn An Trạch (xã Hòa Tiến) rất hào hứng với phiên chợ về tận xã năm nay. Chị Phương chia sẻ: Phiên chợ rất thiết thực với chúng tôi, có nhiều mặt hàng tôi muốn mua sớm để giáp Tết đỡ trong khoản chi tiêu nên tiện đây cũng mua được luôn mà không cần đi xa. Bên cạnh đó, có những sản phẩm của người dân, hợp tác xã trong huyện sản xuất, nên rất gần gũi, lại yên tâm về chất lượng nên tôi cũng tự tin để sử dụng.

 

Đưa hàng về nông thôn là một trong những hoạt động được thành phố Đà Nẵng duy trì hằng năm. Áp Tết, đơn vị sẽ tiếp tục tổ chức đưa hàng hóa về phục vụ người dân tại xã Hòa Bắc và xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang); tổ chức 18 điểm bán thịt heo bình ổn giá.

 

Năm nay, đáp ứng xu hướng tiêu dùng sản phẩm truyền thống tăng cao, tỉnh Quảng Ngãi thành lập chín điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP ở 13 huyện, thị xã, thành phố nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước và thúc đẩy lưu thông, cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường cho các địa bàn dân cư. Cùng với đó, tỉnh triển khai nhiều biện pháp khuyến khích tiêu dùng, hỗ trợ cho người dân. Với chính sách Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hiện hàng hóa được đưa về các vùng biển, đảo, vùng sâu, vùng xa nhiều chủng loại đa dạng, phong phú.

 

Đồng thời, ngành chức năng yêu cầu các đơn vị cung ứng, phân phối mở rộng nhiều chính sách giảm giá, trợ giá cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp. “Hàng hóa năm nay đa dạng, phong phú và bảo đảm phục vụ đầy đủ cho người dân trong dịp Tết nên không cần vội vã, lo lắng. Chúng tôi cũng yêu cầu siêu thị, chợ mở cửa bán trở lại vào mồng 3 Tết phục vụ nhân dân để hạn chế việc tích trữ, găm hàng”, ông Đỗ Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Ngãi khẳng định.

 

Tỉnh Quảng Nam cũng khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức các sự kiện, hội chợ Tết tập trung các sản phẩm hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh; đồng thời tổ chức tham gia các hoạt động kết nối cung cầu tại các tỉnh, thành phố để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm kiếm, khai thác nguồn hàng phục vụ Tết cho nhân dân, nhất là khu vực miền núi.

 

Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Nam Đặng Bá Dự cho biết, để phòng ngừa, hạn chế những biến động của thị trường, đơn vị đã phối hợp các ngành, địa phương làm tốt công tác kiểm tra kiểm soát thị trường, kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi gian lận thương mại; kịp thời có sự chỉ đạo, điều hành, điều tiết và bình ổn thị trường, bảo đảm không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây tăng giá đột biến.

 

Sở đã chỉ đạo Công ty Điện lực Quảng Nam bảo đảm vận hành an toàn tuyệt đối hệ thống điện, cung ứng đủ điện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ sản xuất phục vụ thị trường, người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

 

Sở Công thương các tỉnh, thành phố cũng phối hợp các sở, ngành, cơ quan, đơn vị của địa phương chủ động nắm bắt tình hình, thông tin thị trường; tăng cường kiểm tra, kiểm soát; phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi đầu cơ, găm hàng, cạnh tranh không lành mạnh, gây bất ổn thị trường; đấu tranh chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại khác.

 

Theo Nhandan.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang