Thứ Sáu, 19/04/2024 16:17:35 GMT+7

Tin đăng lúc 06-11-2020

Lượt xem: 969

Các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ của Bộ Công Thương

Nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 115/NQ-CP, ngày 30/10/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2793/QĐ-BCT, trong đó, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT).
Các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ của Bộ Công Thương
Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ tập trung triển khai đồng bộ và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT

Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị tập trung triển khai đồng bộ và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như sau:

 

Đối với Cục Công nghiệp, chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan xây dựng và triển khai hiệu quả, đồng bộ cơ chế, chính sách về phát triển CNHT và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ưu tiên phát triển, đặc biệt chú trọng chính sách tín dụng, thuế nhằm thúc đẩy các ngành sản xuất phát triển. Chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế và các đơn vị chức năng nghiên cứu, xây dựng, trình đề nghị xây dựng Luật phát triển Công nghiệp chế biến, chế tạo để Chính phủ xem xét, thông qua, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2022-2023 của Quốc hội.

 

Cục Xúc tiến Thương mại, xây dựng đề án trang giao thương kết nối thương mại đầu tư giữa các doanh nghiệp sản xuất hàng công nghiệp, khu công nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, nhà nhập khẩu và nhà đầu tư nước ngoài hình thành chuỗi giá trị sản xuất, phân phối, đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp. Hướng dẫn Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp có liên quan tham gia Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại.

 

Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp, rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích nhập khẩu chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư phát triển sản xuất thiết bị, phương tiện và sản phẩm bảo vệ môi trường chưa có khả năng sản xuất trong nước. Thúc đẩy phát triển sản xuất vật liệu, chế phẩm xử lý ô nhiễm môi trường. Thúc đẩy phát triển sản xuất thiết bị, vật liệu phục vụ lĩnh vực xử lý nước cấp, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, tiết kiệm năng lượng.

 

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, thực hiện rà soát cơ chế, chính sách, pháp luật và điều kiện kinh doanh nhằm tháo gỡ, giảm thiểu hoặc loại bỏ các rào cản gia nhập, mở rộng thị trường tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ; Đẩy mạnh khuyến khích đầu tư, xây dựng và mở rộng phát triển thị trường cho các ngành công nghiệp sản xuất chế biến, chế tạo...

 

Cục Phòng vệ Thương mại, tổng hợp số liệu và theo dõi tình hình nhập khẩu sản phẩm thuộc các ngành công nghiệp vật liệu, CNHT, công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển và đưa ra hướng dẫn khuyến nghị với ngành sản xuất trong nước về việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp; Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước thuộc ngành CNHT, công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại do nước ngoài tiến hành, giảm tác động tiêu cực từ các biện pháp này đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

 

Tổng Cục Quản lý thị trường, quán triệt thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2020 về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT; xác định đây là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng trong giai đoạn hiện nay và phải được toàn bộ lực lượng quản lý thị trường ưu tiên thực hiện với quyết tâm cao nhất.

 

Đối với Vụ Pháp chế, cần tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, xác định các vướng mắc, bất cập, chồng chéo và kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung để nâng cao chất lượng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý công nghiệp và CNHT của ngành Công Thương.

 

Vụ Kế hoạch, phối hợp với Cục Công nghiệp triển khai Nghị quyết số 115/NQ-CP. Phân bổ đủ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để khởi công 02 dự án xây dựng cơ sở vật chất của các trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng trong năm 2021 trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư công.

 

Các Vụ Thị trường ngoài nước, tăng cường tổ chức các hội thảo giao thương, các hoạt động tuyên truyền phổ biến thông tin, cơ hội thị trường tại Việt Nam và các thị trường ngoài nước trong lĩnh vực CNHT và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển để thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực CNHT và công nghiệp chế biến, chế tạo và hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả cơ hội từ các hiệp định tự do thương mại.

 

Vụ Thị trường trong nước, tích cực đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan thực hiện công tác kiểm tra chất lượng hàng công nghiệp nhập khẩu và sử dụng các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ hợp lý thị trường nội địa phù hợp với các cam kết và thông lệ quốc tế.

 

Vụ Khoa học và Công nghệ, cần nâng cao năng lực khoa học công nghệ cho doanh nghiệp CNHT và chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển giao và hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp CNHT; Tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế trong nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, mua bán, chuyển giao các sản phẩm khoa học, công nghệ.

 

Vụ Tổ chức cán bộ, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực CNHT và công nghiệp chế biến, chế tạo thông qua các chương trình, kế hoạch quốc gia về nâng cao tay nghề, thúc đẩy liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, phát triển hệ thống quản lý và đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp, triển khai mô hình quản lý theo hướng hiện đại, tinh gọn, chuyên nghiệp, áp dụng theo các tiêu chuẩn quốc tế và ứng dụng công nghệ thông tin.

 

Văn phòng Bộ thúc đẩy hoạt động tuyên truyền thông tin về việc triển khai thực hiện Kế hoạch hành động thúc đẩy phát triển CNHT. Phối hợp, hỗ trợ các Cục, Vụ và các đơn vị khác thuộc Bộ Công Thương trong công tác tuyên truyền thông tin về các hoạt động liên quan đến CNHT và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển.

 

Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp, chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét, rà soát, phân bổ kinh phí phù hợp để các đơn vị triển khai các nhiệm vụ, đề án từ nguồn ngân sách nhà nước giao cho Bộ Công Thương theo đúng quy định hiện hành.

 

Để kế hoạch triển khai đạt hiệu quả cao, lãnh đạo Bộ sẽ thường xuyên theo dõi, chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ triển khai thực hiện; bám sát cơ sở, tăng cường làm việc với các địa phương, hiệp hội doanh nghiệp và các đơn vị có liên quan để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phát triển, bảo đảm hoàn thành toàn diện các mục tiêu được Chính phủ giao cho Bộ Công Thương./.

 

Yên Bắc


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang