Thứ Sáu, 29/03/2024 05:21:45 GMT+7

Tin đăng lúc 13-12-2019

Lượt xem: 4608

Bộ Công Thương họp báo thường kỳ Quý IV năm 2019

Cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương Quý IV diễn ra chiều ngày 12/12/2019 do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải - người phát ngôn của Bộ chủ trì. Nhiều nội dung "nóng" của ngành Công Thương đã được đông đảo các cơ quan báo chí, truyền thông quan tâm như: vấn đề bình ổn hàng hóa thị trường Tết trong đó có mặt hàng thịt lợn, tình hình xuất nhập khẩu, Hiệp định CPTPP và EVFTA, vấn đề cổ phần hóa (CPH), điều tiết điện lực, sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu...
Bộ Công Thương họp báo thường kỳ Quý IV năm 2019

Khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu 

 

Thông tin tại buổi họp báo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành (IIP) duy trì được đà tăng trưởng, với mức tăng khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP chung của cả nền kinh tế. Tính chung 11 tháng năm 2019, IIP ước tính tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 10% của cùng kỳ năm 2018. Với nhóm ngành khai khoáng, chỉ số sản xuất trong tháng 11 giảm 5,3% so với cùng kỳ, tính chung 11T/2019 tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ giảm 1,9%).

 

Sản xuất nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo vẫn duy trì là nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong toàn ngành công nghiệp, tiếp tục tăng với tốc độ cao nhất (Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP 11T/2019 của nhóm tăng 10,6% so cùng kỳ).

 

Chỉ số sản xuất ngành sản xuất và phân phối điện tháng 11 tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng, chỉ số sản xuất của ngành tăng 9,5%. Trong đó, sản xuất điện tháng 11 ước đạt 18.788,7 triệu kWh, tăng 7,6% so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng năm 2019, tổng sản lượng điện sản xuất ước đạt 209.465,9 triệu kWh, tăng 9,5% so với cùng kỳ.

 

Về tình hình xuất nhập khẩu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2019 ước tính đạt 473,73 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 241,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, mặc dù còn 1 tháng nữa mới kết thúc năm 2019 song kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã hoàn thành 91,8% so với mục tiêu đề ra từ đầu năm (Kế hoạch năm 2019: kim ngach xuất khẩu đạt 263 tỷ USD, tăng 7-8% so với năm 2018). Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu ước tính đạt 232,31 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018.

 

Đáng chú ý, khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2019 với mức tăng 18,1%, cao hơn 2 lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước và cao hơn gần 5 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô - đạt 3,8%). Qua đó tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 30,95% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 29,16%).

 

Tất cả các nhóm thị trường mà ta có ký kết FTA và đang thực thi đều ghi nhận tăng trưởng tốt, cho thấy sự chủ động khai thác có hiệu quả các FTA đã ký kết. Ví dụ như: Xuất khẩu sang Nhật Bản 11 tháng đầu năm tăng 7,6%; xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng 10,1%; xuất khẩu sang ASEAN tăng 2,5%; xuất khẩu sang Nga tăng 9,1%; xuất khẩu sang Niudilan tăng 6,8% so với cùng kỳ... Đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng tốt, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ Hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu (xuất khẩu sang Canađa 11 tháng đầu năm đạt 3,5 tỷ USD, tăng 27,2%; xuất khẩu sang Mexico đạt 2,7 tỷ USD, tăng 29,5%).

 

Về Thương mại nội địa, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá, nhìn chung, công tác ổn định thị trường, cung cầu hàng hóa được đảm bảo, hàng hóa phong phú, đa dạng, bảo đảm cung - cầu các loại hàng hóa trong những tháng cuối năm 2019. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được đẩy mạnh nhằm ngăn chặn các hành vi tăng giá bất hợp lý, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2019 ước tính đạt 425,5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất của tháng 11 trong 6 năm trở lại đây.

 

 

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành kế hoạch 2019. Cụ thể, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi nhất về sản xuất và thủ tục XNK để hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thành các đơn hàng sản xuất theo kế hoạch. Tăng cường giám sát đầu tư, phấn đấu đưa các dự án sản xuất theo đúng tiến độ góp phần tăng trưởng năng lực sản xuất chung của ngành. Khẩn trương lập các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch ngành theo quy định làm cơ sở để đầu tư các dự án sản xuất mới. Phát triển thị trường trong nước, ổn định cung - cầu hàng hóa; tăng cường kiểm soát chất lượng và giá cả các mặt hàng, sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống, sức khỏe nhân dân trong dịp tết nguyên đán sắp tới; thắt chặt công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp gian lận thương mại, tăng cường quản lý chặt chẽ trước nguy cơ gian lận thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa...

 

Tiếp tục giữ Quỹ Bình ổn điều tiết thị trường xăng dầu

 

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cùng Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã trực tiếp giải đáp những vấn đề "nóng" của ngành Công Thương mà báo chí quan tâm.

 

Ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, Nghị định 83/2014/NĐ-CP (Nghị định 83) về kinh doanh xăng dầu (thay thế Nghị định số 84/2009/NĐ-CP) sau 5 năm có hiệu lực, đã giúp công tác quản lý, điều hành kinh doanh xăng dầu ngày càng minh bạch, công khai; kinh doanh xăng dầu đã cơ bản vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

 

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ về việc giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 83, Bộ Công Thương đã và đang tiến hành rà soát và khẩn trương triển khai các bước xây dựng Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 83 theo đúng quy định.

 

Trả lời câu hỏi về việc báo chí quan tâm nhất tại thời điểm này là giữ hay không giữ Quỹ Bình ổn xăng dầu, ông Hoàng Anh Tuấn - đại diện Ban soạn thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 83 chia sẻ, quan điểm của Ban soạn thảo là tiếp tục giữ Quỹ Bình ổn điều tiết thị trường xăng dầu.

 

Theo Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước, dự kiến, Nghị định 83 sẽ được sửa đổi những nội dung như: Quy định về điều kiện kinh doanh và hệ thống phân phối xăng dầu; Về đối tượng quản lý; Về cơ chế điều hành giá xăng dầu; Nội dung về công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu; Về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu; Rà soát quy định về thuế nhập khẩu xăng dầu, chế độ ghi chép và hoạch toán tại doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; Về điều kiện phòng thử nghiệm trong quản lý chất lượng xăng dầu...

 

Liên quan nguồn cung thịt lợn, ông Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh, dịch tả lợn châu Phi diễn ra tại 63 tỉnh và đã có những diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, ngay từ đầu Bộ Công Thương đã nhanh chóng phối hợp với lực lượng quản lý tại các địa phương, cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPT&NT) làm việc với các tỉnh biên giới để đưa ra các biện pháp khống chế. Khi dịch bệnh xảy ra, đã chủ động chuẩn bị nguồn cung, đảm bảo phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

 

Sau khi Bộ NNPT&NT báo cáo Chính phủ về khả năng thiếu 200 nghìn tấn thịt lợn dịp cuối năm, Bộ Công Thương đã thực hiện chương trình bình ổn hàng hóa, trong đó có mặt hàng thịt lợn. Đây là vấn đề được Bộ đặc biệt quan tâm không chỉ trước Tết, trong tết mà còn sau tết.

 

Theo đó, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 12 đảm bảo cung cầu mặt hàng thiết yếu, trong đó có mặt hàng thịt lợn. Thực hiện chỉ thị, Bộ Công Thương đã đề nghị các Tập đoàn, Tổng công ty sản xuất, phân phối chuẩn bị đầy đủ hàng hóa để đủ phục vụ bà con trước, trong và sau Tết.

 

Riêng đối với mặt hàng thịt lợn, Bộ đã chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố theo dõi và căn cứ vào các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp chế biến để phân tích nhu cầu tiêu dùng tại địa bàn, từ đó có những giải pháp cân đối, đưa ra những chỉ đạo kịp thời về nguồn cung.

 

Về công tác tuyên truyền, từ khi xảy ra dịch bệnh, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ NNPT&NT đưa thông tin chính xác, kịp thời tới người tiêu dùng. Từ đó, để doanh nghiệp, người tiêu dùng ủng hộ, chung tay trong lúc nguồn cung thiếu, và hướng tới thực hiện nhập khẩu mặt hàng thịt lợn.

 

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng yêu cầu Bộ NNPT&NT có chỉ đạo, hướng tới việc tái đàn ở những vùng đã hết dịch để đảm bảo nguồn cung. Về việc đảm bảo thực phẩm, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị phân phối chuẩn bị sẵn các mặt hàng như: thủy sản, thức ăn gia cầm, trứng, trâu bò... để bù đáp cho việc thiếu mặt hàng thịt lợn.

 

Trả lời câu hỏi của Phóng viên liên quan đến vấn đề điều tiết điện lực, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, năm 2019, nước về ít hơn so với các năm trước. Hồ Sơn La thấp hơn 13m. Tổng nước tích trong các hồ 4,4 tỷ kwh so với tính toán. Những tháng cuối năm, Bộ Công Thương chỉ đạo EVN, Trung tâm điều động hệ thống điện quốc gia (A0), các đơn vị phát điện phải có một phương thức vận hành hợp lý để tích nước, chuẩn bị cho mùa khô 2020.

 

Đặc biệt, trong những tháng cuối năm, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài Nguyên - Môi trường đã có nhiều buổi họp, làm việc, trao đổi với các tỉnh, thành phố để sử dụng nước, điều tiết nước trong các hồ thủy điện một cách tiết kiệm, hiệu quả nhất, phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp, phát điện phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm, ngày hôm qua, Bộ NNPT&NT đã phối hợp với Bộ Công Thương đi kiểm tra một số đơn vị trạm bơm ở các khu vực xung quanh Hà Nội, đôn đốc các đơn vị nạo vét kênh mương, trạm bơm để tận dụng nguồn nước.

 

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, với Thủ đô Hà Nội, cần đặt các trạm bơm dã chiến, để cấp nước, tưới tiêu cho nông nghiệp mà không cần đến đợt xả nước, đồng thời, yêu cầu các tỉnh phối hợp với các nhà máy điện để tính toán hiệu quả nhất lượng nước sử dụng.

 

Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực thông tin, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các đơn vị phát điện tuyệt đối tuân thủ quy trình điều tiết liên hồ chứa do Thủ tướng ban hành. Bên cạnh đó, chủ động làm việc với các địa phương, các đơn vị cung cấp thủy lợi để phối hợp trong vấn đề sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả; yêu cầu các nhà máy điện có phương thức vận hành phù hợp với tình hình vận hành thủy văn của từng hồ bởi hiện nay, lượng nước ở các hồ không được đồng đều.

 

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Bộ Công Thương đang soạn thảo và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới về việc ban hành Chỉ thị của Thủ tướng mới về công tác tiết kiệm điện để đảm bảo điện cho sinh hoạt cũng như sản xuất của người dân thời gian tới.

 

Thông tin về tình hình cổ phần hóa (CPH), bà Nguyễn Thị Hoa - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp cho biết, đến nay, Bộ Công Thương đã bàn giao các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Bộ về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/8/2019, về việc phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, Bộ Công Thương sẽ CPH 2 đơn vị là Tổng Công ty Giấy Việt Nam và Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng BMC. Hai đơn vị này theo chỉ đạo của Thủ tướng là phải CPH vào năm 2020. Hiện Bộ đang thực hiện rà soát các quy trình, thủ tục của 2 đơn vị, song có một số khó khăn, vướng mắc liên quan tới Tổng Công ty Giấy Việt Nam (do Nhà máy Giấy Phương Nam thuộc Tổng Công ty Giấy Việt Nam cũng đang có vướng mắc liên quan tới bán tài sản, nên đã ảnh hưởng đến quá trình CPH của Tổng Công ty Giấy).

 

Ngoài ra, Nghị định 167 của Chính phủ quy định, khi thực hiện CPH phải thực hiện các phương án về nguồn đất. Một số đơn vị ở Phú Thọ, Hà Giang đang thực hiện thu hồi đất để phục vụ an sinh xã hội, phát triển kinh tế, do đó, Tổng Công ty Giấy cũng bị ảnh hưởng. Bộ Công Thương đã có chỉ đạo rà soát lại vùng nguyên liệu, đặc biệt liên quan đến sắp xếp sử dụng đất sau khi CPH, do đó, việc sắp sắp theo Nghị định 167 theo trình tự chặt chẽ, khắt khe ảnh hướng đến tiến độ CPH. Hiện nay, Tổng Công ty Giấy Việt Nam và Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng BMC vẫn đang tiếp tục thực hiện, hoàn tất toàn bộ các quy trình, thủ tục liên quan đến CPH.

 

Liên quan đến tình hình xuất nhập khẩu 11 tháng đầu năm 2019, bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 11 tháng đầu năm 2019 xuất khẩu của nước ta đạt 241,7 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2018, đạt chỉ tiêu 7-8% của Quốc hội giao; kim ngạch nhập khẩu đạt 230,7 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 472 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm. Với tiến độ như hiện nay, dự kiến, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ vượt mốc 500 tỷ USD vào nửa sau tháng 12 năm 2019.

 

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, chúng ta đã đẩy mạnh và làm rất tốt công tác xúc tiến thương mại, nhất là những hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống. Gần đây, Bộ Công Thương và một số đơn vị doanh nghiệp đã chủ động trong việc thực hiện biện pháp đổi mới trong công tác xúc tiến thương mại như việc ứng dụng thương mại điện tử... Cụ thể, ngày 4/12/2019 vừa qua, Bộ Công Thương đã ký kết biên bản hợp tác với Tập đoàn Amazon, đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ đối tác giữa Bộ Công Thương và Amazon sau những hợp tác hiệu quả trước đây giữa hai bên. Biên bản hợp tác này nhằm tăng cường kết nối, đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp năm 2020, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu và phát triển thương hiệu thông qua thương mại điện tử.

 

Theo moit.gov.vn

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang