Thứ Sáu, 26/04/2024 05:52:47 GMT+7

Tin đăng lúc 03-09-2021

Lượt xem: 1962

Bitexco Nam Long – tự hào thương hiệu phụ trợ dệt sợi quê lúa

Thành lập từ 1989, với hơn 30 năm xây dựng và phát triển, Công ty cổ phần Bitexco Nam Long (Hưng Hà, Thái Bình), tự hào là một trong những doanh nghiệp tiên phong hiện đại hóa nghề dệt sợi truyền thống của quê lúa. Đây cũng là nghề, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) còn rất nhiều tiềm năng, đang được tỉnh Thái Bình tiếp tục, chú trọng đầu tư tập trung trong thời gian tới.
Bitexco Nam Long – tự hào thương hiệu phụ trợ dệt sợi quê lúa
Bitexco Nam Long - Thương hiệu phụ trợ Dệt May có nhiều đóng góp cho Thái Bình

Bitexco Nam Long có xuất phát điểm là Tổ hợp dệt nhuộm Bình Minh, chuyên dệt, tẩy, nhuộm, hoàn tất sản phẩm khăn bông xuất khẩu. Năm 1993, Tổ hợp phát triển thành Công ty Sản xuất - kinh doanh - xuất nhập khẩu Bình Minh, đầu tư dây chuyền, thiết bị nhập từ Đức, Nhật và sớm trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên xuất khẩu trực tiếp mặt hàng khăn tay bông sang Nhật. Đây cũng là dấu mốc sản xuất, kinh doanh quan trọng, tạo đà vươn tầm quốc tế cho Bitexco Nam Long sau này.

 

Cũng từ dấu mốc quan trọng đó, theo năm tháng, Bình Minh liên tục phát triển, chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long (2005), mở rộng qui mô và lĩnh vực họat động. Năm 2011, Bitexco Nam Long tiếp tục mở rộng quy mô, ngành nghề sản xuất kinh doanh: Dệt may, đồ gỗ, nước sạch và thành lập Công ty CP Đầu tư Thương mại Quốc tế Minh Long. Sau đó, Bitexco Nam Long cho ra đời các nhà máy dệt in nhuộm màu hoàn tất sản phẩm khăn bông xuất khẩu; nhà máy dệt khăn chất lượng cao, máy khổ rộng, công suất lớn của Ý; nhà máy sợi, dệt hiện đại, công suất 2.400 tấn sợi OE/năm và 5 triệu mét vải/năm (2013). Không dừng lại ở đó, hai năm sau, Bitexco Nam Long tiếp tục mở rộng diện tích, xây dựng nhà máy sợi CD chất lượng cao, với tổng vốn đầu tư 450 tỷ đồng, dây chuyền, máy móc công nghệ hiện đại bậc nhất châu Âu và Nhật Bản, công suất 6.500 tấn sợi/năm. Nhà máy đi vào hoạt động, tạo doanh thu trên 260 tỷ đồng, sản phẩm sợi CD32/1 ngay từ năm đầu tiên đã được thị trường đánh giá cao, đưa Minh Long lọt top doanh nghiệp dẫn đầu trong xuất khẩu sợi bông Việt Nam.

 

Đến năm 2016, Minh Long đầu tư thêm máy móc, tạo thêm dòng sản phẩm sợi xe với công suất 300 tấn/năm, nâng tổng doanh thu lên 346 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu đạt gần 11 triệu USD. Đó là con số thực sự ấn tượng. Điểm nhấn trong quy trình sản xuất chuyên nghiệp của Minh Long là áp dụng nguyên lý và quy trình ISO 9000 theo mô hình 5S của Nhật Bản.

 

Không chỉ là doanh nghiệp tiên phong, hàng đầu trong ngành Dệt May Việt Nam, với chủ trương đa ngành, đến nay, Bitexco Nam Long còn vươn sang nhiều lĩnh vực như: sản xuất đồ gỗ nội thất xuất khẩu, kinh doanh nhà hàng, khách sạn, xây dựng nhà máy nước,… Từ đó, Bitexco Nam Long ngày một nâng cao doanh thu, tạo thêm rất nhiều công ăn, việc làm, nguồn ngoại tệ và đóng góp đầy đủ ngân sách nhà nước hàng năm.

 

Để có được thành công, giữ vững, ổn định sản xuất cho đến hôm nay quả là một hành trình dài với biết bao gian khó, trong đó, Bitexco Nam Long đã biết phát huy và tận dụng được nhiều yếu tố từ chủ quan đến khách quan. Đáng chú ý là Công ty đã phát huy tốt thế mạnh lĩnh vực phụ trợ về dệt may, tận dụng được các điều kiện thuận lợi của Nhà nước, địa phương khuyến khích phát triển ngành CNHT này như các chính sách, mục tiêu, chiến lược, giải pháp,… phát triển ngành Dệt May.

 

 

Các sản phẩm phụ trợ Xơ Sợi, Dệt May là thế mạnh hàng đầu của Bitexco Nam Long

 

 

Hiện tại, ngành CNHT về dệt may là một trong số ít các nhóm ngành được tỉnh Thái Bình chú trọng đầu tư. Bởi Thái Bình hiện đang nằm trong top các tỉnh có giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 01 tỷ USD, đặc biệt về dệt may, da giày, xơ sợi. Do đó, trong định hướng phát triển công nghiệp đến năm 2030, dệt may là một trong bốn nhóm ngành hàng chính được cụ thể hóa.

 

Theo Quy hoạch phát triển ngành CNHT tỉnh Thái Bình giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu tổng quát đến năm 2020, CNHT sẽ trở thành ngành công nghiệp phát triển quan trọng, chủ yếu sản xuất và cung cấp các linh kiện, phụ tùng cho các ngành công nghiệp trong nước; đến năm 2025, CNHT của tỉnh sẽ tham gia quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới. Theo đó, CNHT ngành Dệt may, nguyên liệu sẽ tập trung vào sản xuất những sản phẩm có thị trường lớn và giá trị gia tăng cao như sợi, vải các loại và giả da; Phụ kiện tập trung vào phục vụ cho ngành May là bông tắm và mex các loại; đẩy mạnh việc thành lập và đầu tư hạ tầng KCN ven biển để đáp ứng phát triển công nghiệp dệt hoàn tất sản phẩm…

 

Với tiềm năng ngành CNHT Dệt May rộng mở như vậy, tin tưởng rằng, Bitexco Nam Long sẽ còn có nhiều đóng góp hơn nữa cho Thái Bình nói riêng, Việt Nam nói chung và còn tiến xa hơn nữa trong thời gian tới, góp phần làm rạng danh doanh nghiệp quê lúa và sáng danh thương hiệu Việt.

 

Phương Lê 


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang