Thứ Năm, 25/04/2024 13:33:39 GMT+7

Tin đăng lúc 08-03-2020

Lượt xem: 4641

Biểu giá bán điện: “So bó đũa, chọn cột cờ”

“Chúng ta khó kỳ vọng một biểu giá mà 100% người dân đồng thuận nhưng phải chấp nhận biểu giá nào mang lại lợi ích lớn, hài hòa nhất cho người tiêu dùng, ngành sản xuất điện và quản lý nhà nước. Bộ Công Thương hướng tới lựa chọn phương án 5 bậc, kịch bản 1, cá nhân tôi cho rằng đó là phương án khả thi”, TS. Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá nêu quan điểm.
Biểu giá bán điện: “So bó đũa, chọn cột cờ”
Toạ đàm “Xây dựng biểu giá bán lẻ điện: Phù hợp với lộ trình phát triển thị trường điện Việt Nam”. Ảnh: VGP.

Chiều 6/3, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Toạ đàm “Xây dựng biểu giá bán lẻ điện: Phù hợp với lộ trình phát triển thị trường điện Việt Nam”.

 

Vừa qua, Bộ Công Thương đã đề xuất điều chỉnh biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt ở mức 5 bậc thang thay vì 6 bậc thang như hiện hành. Việc cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện được thực hiện trên cơ sở chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ về xem xét đổi mới cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho khách hàng dùng vào mục đích sinh hoạt.

 

Cụ thể, Bộ Công Thương đề xuất 5 phương án bao gồm: 1 bậc, 3 bậc, 4 bậc và 5 bậc; trong đó phương án 5 bậc có 2 kịch bản.

 

Biểu giá mang lại lợi ích cho người dân

 

Đồng tình với biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt ở mức 5 bậc thang mới được Bộ Công Thương đề xuất, song các chuyên gia cho rằng, cần có nghiên cứu, xem xét thêm về các bước nhảy giữa các bậc thang để tạo áp lực về giá ở những bậc cao và tăng tính khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm từ các hộ tiêu dùng.

 

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá, các phương án mà Bộ Công Thương đề xuất đã tính toán kỹ nhằm mục tiêu cải tiến biểu giá bán lẻ điện. Bộ đã phân tích ưu nhược điểm từng phương án để chọn phương án khả thi nhất, hợp lý nhất.

 

“Tất nhiên, chúng ta khó kỳ vọng một biểu giá mà 100% người dân đồng thuận nhưng phải chấp nhận biểu giá nào mang lại lợi ích lớn, hài hòa nhất cho người tiêu dùng, ngành sản xuất điện và quản lý nhà nước. Bộ Công Thương hướng tới lựa chọn phương án 5 bậc, kịch bản 1, cá nhân tôi cho rằng đó là phương án khả thi”, ông Thỏa nói. 

 

Cùng quan điểm, chuyên gia Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, giá điện bậc thang đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng như một công cụ hữu hiệu để điều tiết nhu cầu sử dụng điện, như Nhật Bản, Hàn Quốc...

 

Ưu điểm của phương án nhiều bậc thang là những hộ chính sách, hộ nghèo tiêu thụ ít được ưu đãi, còn người dùng quá nhiều điện, phần lớn là người có khả năng chi trả tốt, công dân giàu có thì nên dùng điện hợp lý. Dùng quá mức cần thiết thì phải trả tiền một số điện đắt hơn.

 

Về phía cơ quan xây dựng biểu giá bán điện nêu trên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, với mỗi phương án đưa ra, Bộ Công Thương đều có tính toán, so sánh về số tiền khách hàng ở mỗi bậc thang phải chi trả so với phương án 6 bậc đang được áp dụng. Tất cả các phương án được đưa ra đều có ưu điểm là giảm số bậc thang so với quy định hiện hành.

 

Tuy nhiên, các phương án 1 bậc, 3 bậc, 4 bậc đều có nhược điểm chung là các khách hàng ở mức thấp đều phải trả nhiều tiền hơn, còn khách hàng sử dụng nhiều điện lại trả ít đi.

 

Cụ thể, với phương án 1 bậc, 2 bậc và 3 bậc thì các khách hàng sử dụng dưới 300 kWh/tháng, chiếm tỉ lệ 87% khách hàng, lại bị thiệt, không thực hiện mục tiêu khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả; đồng thời ngân sách nhà nước cũng phải hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách bị tăng lên.

 

Còn với phương án được Bộ Công Thương đề xuất lựa chọn 5 bậc khắc phục được các nhược điểm nêu trên là hàng chục triệu khách hàng sử dụng dưới 250 kWh/tháng được hưởng lợi và trả tiền điện thấp hơn. Đặc biệt là các hộ nghèo, chính sách tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ, với khoảng 1,8 triệu hộ, tổng số tiền hỗ trợ trên 1.000 tỷ đồng/năm như hiện nay.

 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tuấn cũng thừa nhận, với phương án này, các hộ khách hàng sử dụng điện nhiều trên 700 kWh/tháng sẽ bị thiệt. Tổng số chỉ 0,46 triệu khách hàng, chiếm 1,8% tổng số khách hàng phải trả cao hơn.

 

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) trả lời phỏng vấn Báo Điện tử chính phủ về biểu giá bán điện mới. Ảnh: VGP/ Phan Trang.

 

Hướng tới thị trường điện cạnh tranh

 

Một vấn đề được đưa ra tại buổi toạ đàm là người dân cũng đặt câu hỏi về việc tại sao không đưa ra phương án 1 bậc giá điện duy nhất. Trả lời vấn đề này, TS. Nguyễn Tiến Thoả đặt ra vấn đề ngược lại là: “Phải xem lại Việt Nam có đủ điều kiện để thực hiện đồng giá chưa?”

 

Bởi, theo TS. Nguyễn Tiến Thoả, để đảm bảo đủ điện, ngành điện trong những thời gian cao điểm vẫn phải huy động những nguồn điện giá cao, như chạy dầu. Vì thế phải tạo ra các bậc thang giá điện để khuyến khích tiết kiệm và giải quyết vấn đề an sinh. Trong khi đó, nguồn cung về điện hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu và nguy cơ thiếu điện trong thời gian tới đã được đặt ra.

 

“Thực tế hiện nay, điện được sản xuất từ nguồn tài nguyên không tái tạo vẫn chiếm tỉ lệ lớn, như than, dầu khí... những nguồn này đang có nguy cơ cạn kiện. Những tài nguyên này không vô hạn, càng dùng nhiều càng đắt. Do vậy, áp dụng biểu giá 5 bậc thang để khuyến khích người dân tính toán dùng điện cho hợp lý nhất”, TS. Nguyễn Tiến Thoả lý giải.

 

TS. Thoả cho biết thêm, trong tương lai, khi thị trường bán lẻ điện của Việt Nam đã hoàn tất, các hạ tầng điện được đảm bảo thì Việt Nam có thể tiến đến phương án 1 giá điện duy nhất. Trong thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn đang trong lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh, số bậc thang đang giảm dần từ 7 bậc xuống 6, 5 bậc...

 

Cũng trong khuôn khổ buổi toạ đàm, có ý kiến cho rằng nên điều chỉnh giá điện theo mùa hoặc 2-4 lần/năm, có thể lên hoặc giảm tuỳ vào chi phí đầu vào để “giá sẽ tăng, giảm từ từ, chứ không gây sốc cho người tiêu dùng”.

 

Với vấn đề này, GS.VS.TSKH Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cũng bày tỏ sự đồng tình khi cho rằng cách điều chỉnh giá điện hiện nay gây khó cho ngành điện bởi hiện nay 2-3 năm giá điện mới thay đổi một lần là “kìm” lại một cách không tự nhiên, không theo quy luật thị trường.

 

“Giá năng lượng biến động rất nhiều. Khi điều chỉnh dễ bị “nhảy” sốc. Nếu đầu ra trì trệ, chậm chạp so với đầu vào thì mất “tính linh hoạt”; nên nghiên cứu điều chỉnh 6 tháng/lần”, GS.VS.TSKH Trần Đình Long nêu quan điểm.

 

Ngược lại, TS. Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá lại cho rằng, nếu xét theo nguyên tắc về giá, khi đầu vào biến động thì đầu ra cần điều chỉnh kịp thời. Tuy nhiên, điện là đầu vào cả nền kinh tế, nếu cứ biến động liên tục thì doanh nghiệp không chủ động được, dễ dẫn đến rủi ro.

 

TS. Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, thực tế chúng ta đang xây dựng thị trường điện cạnh tranh, tiến tới người mua điện được chọn người bán điện, được thoả thuận về giá. Tuy nhiên, vẫn cần có lộ trình chuyển đổi thích hợp.

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay, Bộ Công Thương đã có văn bản xin ý kiến rộng rãi tới các đơn vị bao gồm các UBND tỉnh, các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng. Bộ Công Thương sẽ tổng hợp ý kiến đến 10/3 và sẽ hoàn thiện phương án để trình Chính phủ xem xét, chỉ đạo trong tháng 3 này. Sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định thì Bộ Công Thương sẽ ban hành biểu giá mới.

 

Theo Báo Chính Phủ

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang