Thứ Năm, 25/04/2024 11:43:25 GMT+7

Tin đăng lúc 29-09-2022

Lượt xem: 603

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt trên môi trường số

Trong kỷ nguyên công nghệ số và cuộc CM 4.0 đang diễn ra trên toàn cầu, vai trò của đổi mới sáng tạo, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển thương hiệu quan trọng trong thương mại và phát triển kinh tế.
Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt trên môi trường số
Mong muốn cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ vấn đề giấy phép và pháp lý

Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam còn non trẻ đang kinh doanh trong lĩnh vực nội dung số, khi hội nhập vào nền kinh tế Internet, liên quan đến tranh chấp bản quyền và đây là các vấn đề mới, phát sinh gần đây tại nước ngoài…

 

Vướng mắc về pháp lý liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ

 

Nhằm tháo vướng mắc, rất cần có vai trò “bệ đỡ”, của các cơ quan nhà nước, các hiệp hội, hội quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ của các sản phẩm sáng tạo.

 

Tại toạ đàm “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt trên môi trường số”, do Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam tổ chức ngày 28/9, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động, kinh doanh trên môi trường mạng như Sconnect, Ant Media, Thủ đô Multimedia, Viettel Media… đã nêu những khó khăn, vướng mắc mà đơn vị gặp phải.

 

Theo ông Tạ Mạnh Hoàng, CEO Sconnect nói về những cơ hội, thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam gặp phải trên môi trường số. Trong 8 năm phát triển từ đơn vị nhỏ, Sconnect đang đối mặt với nhiều thách thức trong đó có sự cạnh tranh không lành mạnh từ đối thủ mạnh của Anh là Entertaiment One (EO). Wolfoo là bộ nhân vật hoạt hình đang chiếm hàng tỷ lượt xem mỗi tháng và hàng triệu người theo dõi… ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của của EO với nhân vật Pepa Pig, dẫn tới việc họ có những hành động cạnh tranh không lành mạnh.

 

Trong khi đó phía EO đã triển khai một số hoạt động pháp lý. Theo đó, 11/11/2022 đã khởi kiện Sconnect tại Nga về việc đăng tải sản phẩm là không hợp lệ do cho rằng đây là sản phẩm phái sinh. Tháng 7/2022 EO đã rút toàn bộ đơn khởi kiện khi Sconnect tham gia các hoạt động tố tụng với EO.

 

Đối với vụ kiện tại Toà án cấp cao của Anh, EO gửi đơn kiện từ tháng 2/2022, toà án Anh chưa xác nhận thẩm quyền xem có nhận vụ án hay không cho đến tháng 11 này. Với lộ trình này, tiềm lực và kinh nghiệm mạnh của EO họ liên tục kiện tại nhiều thị trường trong khi Sconnect là doanh nghiệp mới chưa đủ tiềm lực.

 

Trong khi đó, các sai phạm của EO, cạnh tranh không lành mạnh khi dán nhãn video sản phẩm là các sản phẩm vi phạm bản quyền, đưa ra các thông tin không đúng sự thật với các đối tác bằng cách gửi văn bản và yêu cầu các đơn vị ngừng hợp tác. Đưa ra các yêu cầu đặc biệt về việc dừng hợp tác kinh doanh nếu hợp tác với Sconnect. Họ vi phạm nhãn hiệu với Sconnect khi cho rằng cố tình gây nhầm lẫn với Peppa Pig khi cố tình sử dụng các từ khoá để câu dẫn mạo danh chủ sở hữu cửa bộ Wolfoo…nhận các sản phẩm này của mình, sử dụng hình ảnh Wolfoo và mạo nhận là các sản phẩm của EO trên Youtube.

 

Sau khi EO thua kiện tại Nga từ tháng 7/2022, nhưng họ vẫn tiếp tục sử dụng đơn khiếu kiện (chưa được Toà án thụ lý) để làm việc với Google để gỡ bỏ các sản phẩm của Wolfoo ra khỏi các nền tảng kinh doanh dù chưa có các phán quyết của các toà án, các nền tảng vẫn xoá bỏ.

 

Đến nay, hệ thống kinh doanh của Sconnect đang bị gián đoạn bởi phải triển khai các hoạt động pháp lý để có cơ sở làm việc, phải tốn nhiều nguồn lực của công ty khi không thể đưa nội dung mới lên YouTube và triển khai các hoạt động kinh doanh với các đối tác.

 

Ông Trịnh Quốc Khánh, Giám đốc đào tạo Ant Group, nhà sản xuất nội dung số và kinh doanh trên các nền tảng nước ngoàicho rằng. Trong thời gian kinh doanh online, Ant Grou có gặp vấn đề bên Mỹ. Khi tranh chấp với các đơn vị khác trên YouTube, cần giấy tờ xác minh và hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, khi đó các đơn vị bên Mỹ mới giải quyết được. Mong muốn cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ vấn đề giấy phép và pháp lý.

 

Thực tế, Ant Group sản xuất nội dung về âm nhạc, sau đó một đơn vị khác lấy bản quyền, đăng ký giai điệu bài hát. Ant Group chưa có giấy tờ pháp lý trên nền tảng YouTube nên mất vấn đề bản quyền và không thể sản xuất nội dung về bài hát đó. Công ty đang gửi giấy phép cho YouTube nhưng YouTube yêu cầu phải có đơn vị pháp lý ở Việt Nam chấp nhận vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, lúc đó mới có thể xử lý được toàn bộ vấn đề.

 

Đề cập đến thực trạng, các công ty sản xuất nội dung số Việt Nam đã làm ra những sản phẩm tốt, mang doanh thu kiều hối từ nước ngoài về nhưng khi gặp khó khăn khi xuất khẩu ra nước ngoài, hay bị tranh chấp bản quyền, bị cạnh tranh bởi những doanh nghiệp mạnh có tiềm lực ở nước ngoài thì không biết dựa vào đâu, không biết cơ quan nào có thể đứng ra đồng hành cùng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp khởi nghiệp rất mong muốn được sự đồng hành của các cơ quan nhà nước khi đi ra nước ngoài.

 

Ông Nguyễn Ngọc Hân - Thủ đô MultiMedia: Doanh nghiệp hoang mang bởi các đăng ký, sở hữu đã thực hiện đăng ký ở Việt Nam và nước ngoài nhưng khó khăn của doanh nghiệp là hoạt động cạnh tranh vẫn diễn ra khiến các doanh nghiệp vẫn mất thời gian, nguồn lực. Do đó kêu gọi sự đồng hành và các giải pháp tổng thể cho các doanh nghiệp.

 

Ông Võ Thanh Hải, Tổng giám đốc Viettel Media cho rằng, bản quyền vi phạm tại Việt Nam là một bài toán tương đối nhức nhối từ trước đến nay. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, với sự tham gia quyết liệt của Bộ TT&TT và các bộ ngành khác, có thể thấy rõ các nội dung nói chung về mặt vi phạm bản quyền, đặc biệt là các nội dung liên quan đến tin giả, xấu độc đã có sự cải thiện đáng kể. Vai trò của nhà nước và cơ quan quản lý đứng ra để thúc đẩy quá trình này và trực tiếp đàm phán với các doanh nghiệp, nền tảng quốc tế rất rõ nét. Điều đó đã tạo nền tảng cho bước tiến tiếp theo là bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp trong nước.

 

Cục PTTH mới thành lập trung tâm bảo vệ các sản phẩm nội dung số trên mạng, sẽ đóng vai trò tích cực và trọng yếu trong vấn đề này, tạo ra cơ chế để các doanh nghiệp có bản quyền đăng ký bản quyền và có phương pháp làm việc về mặt kỹ thuật và liên quan đến các biện pháp của các nhà mạng. Nhà mạng tự chặn rất khó vì phát sinh lưu lượng data, doanh thu… Nhưng nếu có sự tham gia của cơ quan quản lý triệt để và nhanh chóng, không cần văn bản, công văn, giấy tờ (thời gian xử lý lâu) đấy là cái chúng ta hoàn toàn có thể làm được để bảo vệ quyền lợi chính đáng đối với cộng đồng sáng tạo, một cộng đồng mong manh, thiếu nguồn lực.

 

Ông Huy Phạm, Giám đốc Văn phòng MeTub tại Hà Nội cho rằng: Các nhà sáng tạo nội dung nên có ý thức đi đăng ký bản quyền ngay từ khi còn là ý tưởng. Khi sản xuất nội dung, sản phẩm đưa lên mạng thì sẽ phải bảo vệ bản quyền ngay kể từ khi nó chỉ là ý tưởng. Cần đi đăng ký ngay tác quyền, quyền sở hữu trí tuệ. thậm chí đăng ký ngay ở quốc tế thì khi đó chúng ta mới có bằng chứng bởi YouTube chỉ từ chối khi chưa đưa ra các bằng chứng xác thực; nếu nhận được trát của toà án quốc tế thì lúc đó Youtube sẽ gỡ chặn để hai bên giải quyết.

 

Cho nên, các bạn đã mất công đầu tư và sản xuất thì nên đến các đơn vị của Việt Nam để đăng ký bản quyền, sở hữu trí tuệ, khi có tranh chấp xảy ra thì có bằng chứng đưa ra cho YouTube. YouTube có thể xử lý sai, nhưng đây là nền tảng của họ, nên mình phải chấp nhận.

 

Cần đánh giá thực tế vấn đề trong bối cảnh xem có hợp lý không?

 

Tại tọa đàm, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp phải có ý thức tự bảo vệ mình, có sự đầu tư, có nhân sự chuyên trách về sở hữu trí tuệ. Quan tâm đến hệ thống thực thi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của nước sở tại mà mình nhắm tới.

 

Để ngăn chặn các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ trên bình diện quốc tế thì cần thiết sự hợp tác của các nước. Các chuyên gia đề xuất, để nâng cao việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ nói chung và trên không gian mạng nói riêng, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ. Khi xảy ra các câu chuyện tranh chấp, doanh nghiệp nên phối hợp với các hiệp hội, ngành hàng, các luật sư để xử lý vấn đề, đồng thời báo cáo cho các cơ quan chức năng để có những hỗ trợ kịp thời.

 

Theo ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), trong bối cảnh kinh doanh xuyên quốc gia, phải xác định việc đăng ký ra nước ngoài là vô cùng quan trọng và cần có chiến lược để bảo vệ nhãn hiệu của mình tại các thị trường đó.Trong môi trường số chủ yếu là đăng ký quyền tác giả và việc này hiện đơn giản, chỉ mất khoảng 15 ngày. Hiện nay, các doanh nghiệp có thể tra cứu các nhãn hiệu đã đăng ký tại cả Việt Nam hay các thị trường nước ngoài, tất cả đều miễn phí.

 

Vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chưa được quan tâm đúng mức nhất là doanh nghiệp. Điều này cho thấy các cơ quan quản lý hỗ trợ các doanh nghiệp nhưng lại không được doanh nghiệp quan tâm. Sự quan tâm, nhận thức vể quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp cần thay đổi căn bản nếu không sẽ không giải quyết được các vụ việc.

 

Ông Trần Lê Hồng nhấn mạnh, quyền sở hữu trí tuệ là vấn đề phức tạp, có chuyên môn sâu, nếu không có sự trợ giúp về chuyên môn đúng thì việc giải quyết vụ việc là không thể có, do đó các doanh nghiệp cần tiếp cận một cách rõ ràng, chuyên nghiệp. Các cơ quan Nhà nước đã nỗ lực xây dựng và phát triển môi trường lành mạnh về sở hữu trí tuệ nên các doanh nghiệp cần phải chung tay.

 

Trước các đề xuất của doanh nghiệp như can thiệp với các nền tảng; đảm bảo quyền của doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài…, ông Hồng cho rằng, cần đánh giá thực tế vấn đề trong bối cảnh xem có hợp lý không. Đây là tài sản của chúng ta thì các biện pháp bảo vệ phải chuyên nghiệp và đúng.

 

Quyền sở hữu trí tuệ có tính chất lãnh thổ bởi nó sáng tạo ở Việt Nam thì chỉ được bảo vệ ở Việt Nam. Khi nói đến yêu cầu xử lý thì ở mỗi quốc gia sẽ được bảo vệ theo pháp luật ở quốc gia hiện hành. Do đó, chúng ta cần khẳng định quyền của mình đầu tiên.

 

Doanh nghiệp cũng cần để ý đến việc trùng lặp ý tưởng bởi sở hữu trí tuệ là vấn đề vô cùng phức tạp. Việc đầu tư đội ngũ cán bộ của các doanh nghiệp Việt Nam gần như không có. Vấn đề sở hữu trí tuệ không chỉ thuê dịch vụ là xong mà cần có nhận thức đúng và có đầu tư đội ngũ làm sở hữu trí tuệ để có cách tiếp cận phù hợp.

 

Nhãn hiệu là 1 trong những đối tượng bị xâm phạm nhiều trên Internet và thương mại điện tử. Trong bối cảnh kinh doanh xuyên quốc gia, phải xác định việc đăng ký ra nước ngoài là vô cùng quan trọng trong việc xây kinh doanh và cần có chiến lược để bảo vệ nhãn hiệu của mình tại các thị trường đó.

 

Các doanh nghiệp startup có nguồn lực hạn chế nhưng nếu không tính đến các yếu tố cạnh tranh nhất là về sở hữu trí tuệ và nhãn hiệu thì chỉ cần một vụ việc về pháp lý, chúng ta sẽ mất hoàn toàn khả năng hoạt động.

 

Ông Quản Tuấn An, Trưởng phòng Quản lý và Hợp quốc tế quyền tác giả, Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ, Các bằng chứng khi có tranh chấp có thể dựa vào Điều 198A, chuẩn hóa quy định trong các điều ước quốc tế, cũng như các Nghị định 105, 119. Chúng ta đều có văn bản về mặt thể chế, chính sách. Doanh nghiệp ngay từ khi khởi nghiệp nên bảo vệ quyền tác giả trước khi thực hiện các việc khác, bảo vệ quyền của mình ngay từ ý tưởng. Phải chủ động bảo vệ quyền của mình, chủ động phối hợp với các cơ quan nhà nước. Doanh nghiệp nên đầu tư vào đội ngũ cán bộ và đặc biệt phải có luật sư, không phải luật sư outsource bên ngoài.

 

Chúng ta đã có cả chiến lược về phát triển trí tuệ và ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là điện ảnh, hoạt hình ban hành từ năm 2017. Cơ chế xử lý vi phạm trên không gian mạng liên quan đến nhiều bộ ngành, trong đó có Bộ Văn hóa và Bộ TT&TT. Cơ chế hiệu quả nếu có đầy đủ cơ sở pháp lý rõ ràng, minh bạch.

 

Về YouTube, Cục Bản quyền tác giả cũng chủ động phối hợp, yêu cầu bên YouTube đến các chương trình hội thảo hội nghị để làm việc, thuyết trình về cơ chế “đánh gậy” bản quyền. Về bản chất, YouTube hay FaceBook, Google là doanh nghiệp trung gian. Doanh nghiệp trung gian đã được luật hóa trong Luật Sở hữu trí tuệ vừa được ban hành, có hiệu lực từ 1/1/2023.

 

Về phía Luật sư Hà Liên, Văn phòng Luật sư Phan La cho rằng: Các quy định pháp luật hiện hành đã quy định đầy đủ quyền của chủ sở hữu trong Luật Sở hữu trí tuệ. Trước nay chúng ta luôn quan tâm đến bảo vệ quyền của chúng ta trên môi trường số, nhưng khi bị claim ngược, liên quan đến lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ, khi chúng ta tham gia sân chơi của YouTube, chúng ta phải tuân thủ luật chơi. Họ đã có quy chế, khi chúng ta bị thiệt hại, việc duy nhất cần thực hiện là khởi kiện ra tòa án. Xét về góc độ quy định của nhà nước, đã quy định chi tiết làm sao để bảo vệ quyền của mình.

 

Khi sinh con phải đăng ký khai sinh, theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, quyền tác giả được bảo hộ tự động, phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế. Chủ sở hữu thường suy nghĩ chưa cần thiết để thực hiện biện pháp bảo vệ, song khi có tranh chấp dẫn đến khó khăn khi thu thập chứng cứ. Ở giai đoạn đầu, các doanh nghiệp thường có tư tưởng không có tranh chấp, nếu đăng ký bản quyền, sử dụng dịch vụ pháp lý… sẽ tốn kém. Các vấn đề tối ưu thường tập trung cho sản xuất, sáng tạo, thường coi nhẹ vấn đề pháp lý bảo vệ bản quyền. Vấn đề quan trọng nhất của các doanh nghiệp khi tham gia sân chơi chung là phải xác lập quyền của mình theo quy định của luật. Luật Sở hữu trí tuệ quy định về việc Cục Bản quyền tác giả là đơn vị ghi nhận quyền này của các doanh nghiệp.

 

Cần có vai trò “bệ đỡ’ của các cơ quan nhà nước, các hiệp hội...

 

Mặc dù Việt Nam đã cố gắng trong việc thực thi pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tuy nhiên việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ được thực hiện bằng nhiều hình thức, thủ đoạn mới như sử dụng công nghệ cao làm cho người tiêu dùng và cơ quan chức năng khó phát hiện.

 

Chúng tôi rất cần rất cần có vai trò “bệ đỡ’ của các cơ quan nhà nước, các hiệp hội, hội quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các vướng mắc, đặc biệt là các vướng mắc về pháp lý liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ của các sản phẩm sáng tạo. Can thiệp yêu cầu Google, Youtube ngừng tiếp nhận các yêu cầu đánh bản quyền vô lý vi phạm pháp luật trên Internet và có các biện pháp mạnh để baỏ vệ doanh nghiệp Việt; Hoàn thiện sớm các quy định của pháp luật, cơ chế áp dụng pháp luật phù hợp với nền kinh tế số và có hiệu lực áp dụng với cả các chủ thể nước ngoài; tích cực nghiên cứu, tổ chức thảo luận lấy ý kiến, hướng dẫn, định hướng các doanh nghiệp số phát triển theo chủ trương định hướng kinh tế số của Chính phủ.

 

Ngoài ra, việc ký kết các hiệp ước song phương cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển tại các thị trường quốc tế. Chẳng hạn, tại Mỹ chúng ta bị đánh thuế trong mảng này. Do đó, doanh thu của doanh nghiệp công nghệ số bị giữ lại tới 21% do khoản thuế quốc gia.

 

Đồng thời, Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế, ký kết các hiệp ước tương trợ pháp lý với các quốc gia khác để đảm bảo giá trị pháp lý của các quy định pháp luật Việt Nam cũng có giá trị toàn cầu.

 

Nhận thức được điều đó, những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn quan trọng trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ như: Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030… Gần đây nhất Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua với số phiếu nhất trí rất cao.

 

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang