Thứ Bẩy, 20/04/2024 20:48:56 GMT+7

Tin đăng lúc 14-01-2016

Lượt xem: 3708

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Nhiều thách thức thời hội nhập

5 năm thực thi Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương và các hiệp hội, địa phương đã tích cực thực hiện nhiều hoạt động, góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Nhiều thách thức thời hội nhập
Xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh là góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Những thành công ban đầu

 

Đánh giá tại Hội nghị Tổng kết công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) và giải pháp đẩy mạnh BVQLNTD vừa được Bộ Công Thương tổ chức ngày 7-8/1, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, những kết quả BVQLNTD đạt được trong thời gian qua dù mới ở giai đoạn ban đầu nhưng rất đáng khích lệ. Trong đó, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống văn bản pháp luật nhanh và đồng bộ. Hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về BVQLNTD bước đầu đã có sự thống nhất và phân cấp rõ ràng. Hiện tại, Cục Quản lý cạnh tranh (VCA)- Bộ Công Thương- là đơn vị chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

 

Mặt khác, các hội BVQLNTD đã có sự lớn mạnh về số lượng. Theo ông Trịnh Anh Tuấn- Phó Cục trưởng VCA, từ chỗ chỉ có 39 hội trước năm 2011, đến nay, Việt Nam đã có 51 hội BVQLNTD trên cả nước. Ông Tuấn cho rằng, một trong những kết quả tiêu biểu nhất trong thời gian qua là, nhận thức của xã hội về BVQLNTD đã được nâng cao. Người dân đã chủ động tìm hiểu quy định pháp luật và thực hiện các quyền của mình. Doanh nghiệp đã có trách nhiệm hơn trong công tác tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của khách hàng; các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội ngày càng quan tâm và chú ý tới hoạt động BVQLNTD”- đại diện VCA khẳng định.

 

Đối với công tác kiểm soát hợp đồng theo mẫu, nếu như năm 2012- năm đầu tiên thực hiện quy trình này- Bộ Công Thương mới tiếp nhận và xử lý 110 hồ sơ thì năm 2014 đã tăng lên 194 bộ. Từ đầu năm 2015 đến nay đã tiếp nhận hơn 600 hồ sơ. “Sự gia tăng về số lượng các hồ sơ đăng ký cho thấy ý thức của doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định BVQLNTD, mặt khác, việc xử lý các hồ sơ đăng ký theo quy định của Luật sẽ góp phần đảm bảo sự cân bằng trong mối quan hệ giữa NTD và các tổ chức kinh doanh, từ đó, giảm thiểu các tranh chấp phát sinh”- ông Tuấn đánh giá.

 

Bảo vệ quyền lợi cho NTD thời hội nhập

 

Bên cạnh các thành tựu đã đạt được, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng cho rằng, công tác BVQLNTD hiện này vẫn tồn tại nhiều hạn chế do nhiều nguyên nhân. Tiêu biểu, các quy định về giải quyết tranh chấp giữa NTD và tổ chức cá nhân kinh doanh chưa hoàn thiện. Hòa giải là phương thức quan trọng được sử dụng trong công tác giải quyết khiếu nại của NTD. Tuy nhiên, các quy định về tổ chức đơn vị hòa giải chưa được thực thi trong thực tế, dẫn tới công tác hòa giải tranh chấp chưa thực sự phát huy hiệu quả... Bên cạnh đó, NTD còn lúng túng chưa biết ai là người giải quyết những vấn đề vi phạm đến quyền lợi của họ.

 

Để tăng cường hiệu quả công tác BVQLNTD, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, trong thời đại công nghệ thông tin, NTD không chỉ giới hạn trong phạm vi một quốc gia, một vùng lãnh thổ mà có thể mở rộng trên phạm vi toàn cầu và di chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác. Vì vậy, công tác BVQLNTD cũng cần cập nhật và theo kịp sự thay đổi này. Các cơ quan cần chuẩn bị các cơ sở pháp lý và công cụ hữu hiệu để có thể BVQLNTD trong các giao dịch xuyên biên giới như mua hàng qua mạng, qua điện thoại, email...

 

Ông Trần Vinh Nhung- Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh:

 

Luật BVQLNTD chỉ áp dụng với các giao dịch xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam là không còn phù hợp. Bởi vì Cộng đồng ASEAN vừa hình thành, các giao dịch của người Việt Nam với các nước ASEAN sẽ không được bảo vệ theo luật này.

 

Nguồn: Báo Công Thương điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang