Thứ Tư, 24/04/2024 16:14:12 GMT+7

Tin đăng lúc 23-02-2020

Lượt xem: 2091

Bán khẩu trang 'cắt cổ', kinh doanh đạo đức và tiêu dùng trách nhiệm

Sự can thiệp của Nhà nước vào việc tăng giá phi mã các mặt hàng có tác dụng phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 là rất khó khăn. Vậy, cách thức nào có thể hạn chế tình trạng này?
Bán khẩu trang 'cắt cổ', kinh doanh đạo đức và tiêu dùng trách nhiệm
Một nhà thuốc bị xử phạt, rút giấy phép vì găm khẩu trang.

Tình trạng giá cả tăng mạnh sau khi có các sự cố bất ngờ như sốt giá khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn ở Việt Nam khi giá tăng gấp 5-7 lần bình thường, thậm chí 10 lần đã diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới

 

“Khan hàng, sốt giá”, “cầu cao cung thấp” được đưa ra làm lý do để giải thích cho việc tăng giá mặt hàng đang nóng hầm hập này. Song, việc chính quyền xử phạt việc tăng giá lại nhận hai luồng quan điểm trái chiều.

 

Những người ủng hộ nền kinh tế thị trường cho rằng “khan hàng sốt giá” là quy luật tất yếu của thị trường, phản ánh quan hệ cung cầu, không nên xử phạt hành vi tăng giá.

 

Ở góc độ khác, nhiều người ủng hộ động thái của chính quyền xử phạt các nhà thuốc tăng giá bất hợp lý vì hành vi đó là “vô đạo”.

 

Cuộc tranh cãi giữa “kinh tế thị trường” và “đạo đức” chẳng phải bây giờ mới diễn ra. Nó đã tồn tại vài trăm năm nay và phần thắng chẳng nghiêng về bên nào cả.

 

Ở khía cạnh người tiêu dùng, việc tăng giá đến 5 lần, 10 lần một mặt hàng như khẩu trang trong khi dịch bệnh có nguy cơ hoành hành, khó kiểm soát là hành động “vô lương tâm”.  

 

Nhưng việc can thiệp của cơ quan chức năng để hạ nhiệt giá khẩu trang bằng cách xử phạt hay rút giấy phép dường như không làm xoay chuyển được tình hình.

 

Nguồn cung vẫn khan hiếm, giá vẫn tăng sau những đợt ra quân của các lực lượng. Chưa kể, cơ sở pháp lý cho việc xử phạt việc tăng giá là không rõ ràng.

 

Điều 17, Nghị định 109 của Chính phủ về quản lý giá quy định phạt tiền hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, dịch bệnh và điều kiện bất thường... để định giá mua bán hàng hóa bất hợp lý. Tuy nhiên, thế nào là “bất hợp lý” lại chưa hề có một văn bản nào định nghĩa rõ ràng. Vậy nên, có cán bộ quản lý thị trường thừa nhận rằng, việc xử phạt hành vi tăng giá là “rất khó”.

 

Chưa kể, nếu chỉ tập trung vào các nhà thuốc để xử phạt thì cũng không công bằng. Bởi nhiều nhà thuốc đã chứng minh giá đầu vào họ nhập lên đến 180 nghìn/hộp khẩu trang, trong khi bình thường có thể nhập với giá thấp hơn 4-5 lần.

 

Rõ ràng, việc tăng giá “phi mã” khẩu trang y tế hay nước sát khuẩn như thời gian qua là khó chấp nhận. Việc xử phạt không làm xoay chuyển được tình hình, cơ sở pháp lý cũng chưa rõ ràng, thì có thể áp dụng nhiều cách thức khác linh hoạt hơn.

 

Trước hết là kêu gọi kinh doanh có đạo đức. Lúc này, nếu như cộng đồng chung tay kêu gọi những nhà sản xuất, phân phối khẩu trang có đạo đức hơn khi bán hàng, đồng thời phê phán, tẩy chay những cơ sở sản xuất, phân phối (chứ không riêng gì các nhà thuốc) bán giá “cắt cổ” thì sẽ phù hợp hơn là sự can thiệp mạnh tay của Nhà nước bằng cách xử phạt. “Cắt cổ” có nghĩa bán gấp nhiều lần so với mức tăng giá thành thực tế. Việc này, tất nhiên, có loại trừ những cơ sở giải trình được mức tăng giá do chi phí đầu vào tăng.

 

Tiếc rằng, vai trò của các tổ chức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam, đơn cử như Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, trong các công việc như thế lại khá mờ nhạt và yếu ớt.

 

Thực tế, trong cơn sốt khẩu trang, nước sát khuẩn, đã có một số nhà sản xuất, đơn vị phân phối chung tay bán ra thị trường các mặt hàng này với giá ổn định hơn. Nếu kêu gọi được nhiều nhà sản xuất, phân phối như vậy thì chuyện khẩu trang sẽ không đến mức nóng sốt đến như vậy. Rõ ràng, hình ảnh những nhà phân phối ấy cũng “đẹp” hơn rất nhiều trong mắt các khách hàng, in đậm dấu ấn của một doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội.

 

Người tiêu dùng cũng có trách nhiệm trong việc tạo nên cơn sốt giá khẩu trang. Người dân cần bình tĩnh hơn, tránh hoảng loạn và lầm tưởng khẩu trang có thể là cách thức để ngừa dịch bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới đã khẳng định nhiều biện pháp khác quan trọng hơn việc đeo khẩu trang. Hiểu được vậy, sẽ không còn cảnh đổ xô đi xếp hàng mua khẩu trang, mua hàng tích trữ, rồi trở thành “mồi ngon” cho một số đơn vị phân phối.

 

Còn Nhà nước, sự can thiệp có thể là miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu làm khẩu trang, nước sát khuẩn,... như đã làm thời gian qua; tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất tìm kiếm, nhập khẩu nguồn nguyên liệu... Điều này tốt hơn là xử phạt việc tăng giá phi mã. Còn vẫn muốn xử phạt như Mỹ và một số nước làm, thì phải hoàn thiện cơ sở pháp lý.

 

Xét cho cùng, bất cứ xã hội nào cũng chỉ tồn tại vững bền trên cơ sở của sự sẻ chia, thấu cảm với nhau. Xã hội nơi con người chỉ biết kiếm lợi dựa trên sự hoảng loạn của đồng bào không phải là xã hội ưu việt. Người Nhật khiến cả thế giới kính nể chẳng phải vì cách ứng xử văn minh của cộng đồng trong những lần thiên tai, nhân tai đó sao!.

 

Đạo lý của người Việt Nam cũng đề cao tinh thần “Bầu ơi thương lấy bí cùng”. Chẳng có đạo lý nào lại ủng hộ kiểu kinh doanh của Thạch Sùng, lợi dụng dịch bệnh, thiên tai để “cắt cổ” đồng bào cả.

 

Theo Vietnamnet


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang