Thứ Sáu, 29/03/2024 16:02:42 GMT+7

Tin đăng lúc 26-03-2020

Lượt xem: 1587

Bán hàng online 'lên ngôi' cao điểm dịch Covid-19

Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp với số người lây nhiễm lan nhanh, nên nhiều gia đình thay vì trực tiếp đi chợ mua thực phẩm đã chuyển sang đặt trực tuyến (online) nhằm hạn chế tiếp xúc đông người, tránh lây lan dịch bệnh.
Bán hàng online 'lên ngôi' cao điểm dịch Covid-19
Dù đã chủ động các biện pháp phòng chống dịch nhưng người dân vẫn hạn chế mua sắm trực tiếp

Hạn chế đi chợ truyền thống vì dịch

 

Trước nỗi lo lây lan dịch Covid-19, nhiều người dân hạn chế ra đường, đến những nơi đông người, nên việc mua sắm trực tiếp cũng có xu hướng thu hẹp. Thay vào đó, người dân tìm đến những cách thức mua sắm phi truyền thống như: đặt hàng trên mạng, gọi điện trực tiếp tới cửa hàng để được phục vụ, gọi người nhờ mua hàng trực tiếp tại cửa hàng và siêu thị…

 

Chị Trần Thị Khánh Huyền, phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội vốn quen với việc đi chợ mua thức ăn tươi sống vào mỗi chiều khi hết giờ làm việc. Thế nhưng, từ khi xuất hiện thông tin về dịch Covid-19 ở Việt Nam, chị chuyển sang mua hàng trong siêu thị. Dù không có tâm lý tích trữ thực phẩm, nhưng mỗi lần ghé siêu thị, chị Huyền đều cố gắng mua đủ thực phẩm cho cả tuần cho gia đình 4 người để hạn chế số lần đến nơi công cộng.

 

“Hai tuần trở lại đây, diễn biến dịch bệnh trở nên phức tạp hơn, tôi sử dụng dịch vụ đặt giao hàng tận nơi của một siêu thị gần nhà mà không trực tiếp đến siêu thị nữa”, chị Huyền cho biết.

 

Tâm lý ngại đến nơi đông đúc vào lúc dịch Covid-19 đang có những diễn biến bất thường và khuyến cáo của cơ quan chức năng về việc người dân hạn chế ra đường và không tụ tập nơi đông người khiến cho đa số người dân ở Hà Nội đều hạn chế ra đường, hạn chế trực tiếp ra chợ mua sắm. Chị Vũ Thị Thuý Hà, đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, những ngày gần đây, quanh khu tập thể VOV của Đài Tiếng nói Việt Nam, người dân đã tự hướng dẫn nhau cách thức đi chợ sao cho thuận tiện, dễ dàng và hạn chế tối đa việc di chuyển khi nguy cơ dịch bệnh lây lan đang có nhiều rủi ro.

 

“Mọi người tự lên mạng tìm hiểu hoặc chia sẻ cho nhau các số điện thoại, đường dây nóng của tổng đài ở các cửa hàng tiện lợi như: Vinmart, Vinmart+ hay Hapro… Rồi chỉ việc gọi điện đặt hàng online hoặc qua điện thoại. Chỉ thời gian ngắn là chúng tôi đã nhận được đầy đủ số lượng hàng hoá đã đặt và thanh toán tại nhà… Như vậy là mình yên tâm ngồi nhà hàng tuần không cần lo nghĩ”, chị Hà chia sẻ.

 

Mua sắm online lên ngôi

 

Theo chị Trần Thị Hoài, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, việc sử dụng các phương thức thanh toán điện tử ngày càng dễ dàng và thuận tiện khi mua sắm, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh như thế này.

 

“Với các ứng dụng trực tuyến như Momo, Airpay, VNpay… chỉ cần ngồi nhà là có thể đặt hàng từ đồ uống đến bữa ăn trưa mà không phải ra đường. Việc giao hàng cũng nhanh chóng và tiện ích, nhất là với các dịch vụ giao tại nhà, giao gần trong 15 phút hay giao đồng giá của các công ty như: Ahamove, Lalamove, Grab... Hiện nay, để tạo điều kiện cho người dân, các hãng dịch vụ cũng tăng cường nhân lực và triển khai nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá cước để khuyến khích việc mua hàng, bán hàng. Qua đó, tăng cường lưu thông hàng hóa và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân.

 

 

Chủ cửa hàng nông sản ở Thanh Trì đang đóng gói chuẩn bị vận chuyển đến tay người tiêu dùng

 

“Mọi nhu cầu cơ bản chỉ cần cập nhật và đặt hàng qua các ứng dụng như Now, Foody hay Sendo và Lazada… là đều có thể được cung cấp tại nhà, được giao tận cửa cơ quan và với nhiều hình thức thanh toán linh hoạt như: trực tiếp hay trả qua thẻ, trả qua các công ty tài chính. Điều này càng có ý nghĩa và phát huy hiệu quả tích cực hơn khi người dân lo ngại ra đường sẽ đối diện với nguy cơ dịch Covid-19”, chị Hoài cho biết.

 

Nắm bắt được tâm lý mua online gia tăng, nhiều cửa hàng sỉ, lẻ ở Hà Nội đã nhanh chóng "nhảy" vào kênh này thay vì chỉ bán truyền thống. Bà Nguyễn Thị Minh, chủ tiệm tạp hóa ở phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng cho biết, hiện khách đặt hàng khô qua kênh online khá nhiều. Trước khách sỉ lấy mỳ gói tầm 5 thùng mỗi lần thì nay số lượng tăng gấp ba. “Có thể khách sợ dịch bệnh tăng giá nên họ đặt mua số lượng lớn và đề nghị giao tận nơi. Ngoài mì gói thì các loại xúc xích, đồ hộp, cá hộp, sữa chua, khăn giấy, sữa tươi... cũng đắt khách”, bà Minh nói.

 

Theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô trong những ngày diễn biến dịch bệnh Covid -19, tỷ lệ giao dịch hàng hóa qua thương mại điện tử tăng từ 25%-30% và tập trung ở một số nhóm hàng thiết yếu như thức ăn nhanh, mỳ ăn liền, sữa, bánh phở hay thực phẩm chế biến như: thịt nguội, giò... Đặc biệt, nhóm hàng do các siêu thị tự làm hoặc đặt hàng nhà cung cấp sản xuất cũng được mua với số lượng tăng cao hơn bình thường từ 5-7% do giá cả rẻ hơn so với sản phẩm cùng loại, nhất là trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng “chắt bóp” chi tiêu để phòng dịch. Phương thức thanh toán cho các giao dịch thương mại điện tử cũng ngày càng linh hoạt hơn tạo sự thuận tiện và gia tăng niềm tin tưởng đối với khách hàng. Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, chắc chắn thương mại điện tử sẽ ngày càng phát triển và dần thay thế các hình thức mua bán trực tiếp.

 

“Thương mại điện tử tại Việt Nam cần phải thay đổi và cải thiện hơn nữa để gia tăng sự tín nhiệm của khách hàng như: Tốc độ giao hàng cần nhanh hơn; hậu cần phục vụ phải chu đáo, cẩn thận và thiện chí hơn, nâng cao hơn trình độ sử dụng công nghệ của các nhân viên siêu thị khi thanh toán điện tử giúp khách hàng. Đặc biệt, chất lượng hay mẫu mã hàng hóa khi được giao thực tế phải đúng chuẩn và tương tự sản phẩm được quảng cáo trên mạng. Bởi hiện nay có tới 80% giao dịch phải kiểm tra hàng trước rồi mới thanh toán sau”, ông Phú nhấn mạnh.

 

Theo Thời Báo Kinh Doanh

 

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang