Thứ Sáu, 19/04/2024 23:47:46 GMT+7

Tin đăng lúc 08-06-2021

Lượt xem: 1512

Bài toán nhân lực chất lượng cao cho ngành CNHT dệt may thời đại 4.0

Dệt May đang là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, mỗi năm tạo ra khoảng 2,5 triệu việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, với khoảng 75% lao động trong lĩnh vực này chưa qua đào tạo hoặc chỉ được đào tạo dưới 3 tháng thì đây là thách thức rất lớn khi ngành Dệt May Việt Nam đang trong xu thế vươn lên để cạnh tranh bằng năng suất, chất lượng, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và tiếp cận với công nghiệp 4.0.
Bài toán nhân lực chất lượng cao cho ngành CNHT dệt may thời đại 4.0
Các trường đào tạo cần thúc đẩy hợp tác với các doanh nghiệp để hiểu rõ được nhu cầu nhân sự của doanh nghiệp

Trong chuỗi cung ứng dệt may, đảm bảo chất lượng nguyên phụ liệu sản xuất sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao giá trị gia tăng. Tuy nhiên, nguồn nguyên phụ liệu của Việt Nam hiện nay lại phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu từ nước ngoài dẫn đến giá trị gia tăng còn thấp. Các chuyên gia phân tích nhận định, chỉ khi ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) dệt may bù đắp được phần lớn giá trị nhập khẩu thì giá trị gia tăng từ sản phẩm dệt may mới tăng cao. Mà để làm được điều này lại phụ thuộc rất lớn vào nguồn nhân lực chất lượng cao trong sản xuất công nghiệp vật liệu của nước ta, làm sao để các doanh nghiệp có thể tự chủ được các khâu nguyên phụ liệu, từ đó có thể đạt được giá trị gia tăng cao hơn.

 

Bên cạnh đó, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, trong tương lai, rất nhiều khâu trong chuỗi giá trị ngành Dệt May sẽ sử dụng máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại, tự động hóa cao, rô bốt… thay cho sức lao động của con người. Như vậy, để có thể vận hành được các thiết bị, máy móc hiện đại cũng như tổ chức quản lý sản xuất theo 4.0 đòi hỏi trình độ lao động của ngành này cũng phải được nâng lên.

 

Hiện nay, trình độ công nghệ dệt may ở Việt Nam chỉ ở mức trung bình nên trình độ lao động dệt may thấp, lao động phổ thông chiếm đến 75%; trình độ sơ cấp, trung cấp chuyên nghiệp chiếm khoảng 18%; cao đẳng, đại học và trên đại học chiếm khoảng 7%. Như vậy, chỉ có 25% lao động qua đào tạo và vẫn còn khoảng 75% lao động trong lĩnh vực dệt may chưa qua đào tạo hoặc chỉ được đào tạo dưới 3 tháng.

 

Theo một số doanh nghiệp hoạt động trong ngành CNHT, hiện nay chất lượng kỹ sư mới ra trường đáp ứng chưa được một nửa chất lượng đầu vào, thậm chí là chưa từng được đào tạo ở một số ngành như sợi, bông... Điều này đang là áp lực với các doanh nghiệp.

 

Nguồn nhân lực phục vụ ngành CNHT dệt may chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng và chất lượng, chủ yếu là do suất đầu tư thấp. Doanh nghiệp và các trường đào tạo chưa hình thành liên kết bền vững hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau. Chất lượng đào tạo nhân lực thấp, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao cho CMCN 4.0, đã ảnh hưởng đến chất lượng của các nghiên cứu khoa học ứng dụng, chất lượng kỹ sư, công nghệ viên, kỹ thuật viên và công nhân nói chung.

 

Tại không ít doanh nghiệp hiện nay, cán bộ quản lý, kỹ thuật, công nghệ thường được lựa chọn, cất nhắc từ những công nhân tiên tiến, có tay nghề tốt nhưng họ lại chưa được bồi dưỡng về kỹ năng quản lý, con người, đặc biệt là khả năng ứng dụng công nghệ trong sản xuất…

 

Vậy giải pháp nào cho bài toán nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Dệt May nói chung và công nghiệp hỗ trợ dệt may nói riêng để đáp ứng được yêu cầu trong cuộc CMCN 4.0?

 

Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay, để có thể duy trì sự phát triển cũng như tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị dệt may toàn cầu, thì ngành Dệt May Việt Nam cần có sự đầu tư đúng mức cho việc đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực cho lĩnh vực CNHT dệt may. Công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật, cần phải được thực hiện một cách có hệ thống tại tất cả các trường có đào tạo đại học và cao đẳng cho ngành Dệt May.

 

 

Đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành CNHT sẽ giúp Dệt May Việt Nam xây dựng được chuỗi khép kín từ nguyên liệu, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm

 

Cùng với đó, các cơ sở đào tạo cần đổi mới, chỉnh sửa chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận với công nghệ 4.0 trong cả lĩnh vực kỹ thuật công nghệ và lĩnh vực quản lý; mở thêm các chuyên ngành đào tạo theo hướng liên ngành để tiếp cận với công nghệ 4.0 như kỹ thuật cơ điện tử trong thiết bị dệt may, thiết kế thời trang bằng công nghệ 3D, nghiên cứu và phát triển các loại vật liệu mới sử dụng trong ngành Dệt May … Đặc biệt, các trường đào tạo cần thúc đẩy hợp tác với các doanh nghiệp để hiểu rõ được thị trường lao động, qua đó, xây dựng các chương trình đào tạo đáp ứng được yêu cầu về nhân sự mà doanh nghiệp đang cần, đảm bảo đầu ra cho các sinh viên mới ra trường.

 

Về phía doanh nghiệp, cần đầu tư có chọn lựa các công nghệ hiện đại đáp ứng CMCN 4.0, đi kèm với chuẩn bị nhân lực tiếp cận phù hợp; tham gia xây dựng chuẩn nghề nghiệp của các vị trí việc làm; liên kết, phối hợp với các trường đào tạo trong việc đào tạo, tuyển dụng cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp. Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần giảm bớt các khâu giá trị thấp, có kế  hoạch đào tạo người lao động chuyển đổi việc làm và nguồn hỗ trợ trong trường hợp mất việc.

 

Bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp và các cơ sở, trường đào tạo thì cũng rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước như hỗ trợ kênh thông tin để doanh nghiệp nắm bắt sự thay đổi về công nghệ. Cùng với đó, Nhà nước cần chú trọng đến lĩnh vực công nghiệp quan trọng nhất và tiến hành đào tạo nguồn nhân lực cả về công nghệ sản xuất và quản lý kinh doanh; Ban hành hệ thống văn bản về kỹ năng nghề nghiệp theo chuẩn chung quốc tế, chú trọng quy trình, phương thức đào tạo, hệ thống chứng chỉ để sẵn sàng thực hiện trao đổi lao động khu vực và quốc tế; Ban hành kế hoạch đào tạo nguồn lực cho các ngành công nghiệp và  luôn ưu tiên, có những chế độ đãi ngộ để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành CNHT.

 

Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí từ nguồn vốn ngân sách hoặc vốn hỗ trợ trợ phát triển chính thức cho các khoa chuyên ngành của trường đại học và cao đẳng để đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành CNHT công nghệ cao tại Việt Nam.

 

Cùng với đó, xây dựng hệ thống chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp trong ngành CNHT chủ động tham gia tích cực vào quá trình hoạt động dạy nghề, thiết lập mối liên hệ chặt chẽ, phù hợp giữa các chương trình đào tạo nghề với các yêu cầu kỹ năng mà thị trường lao động đang cần, tạo cho người lao động sau khi được đào tạo trở thành những người “sẵn sàng làm việc”, tức là sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp...

 

Trong bối cảnh đa dạng hoá chuỗi cung ứng toàn cầu, việc đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành CNHT sẽ giúp Dệt May Việt Nam xây dựng được chuỗi khép kín từ nguyên liệu, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Điều này không chỉ giúp ngành Dệt May ứng phó với tình trạng nguyên liệu tăng giá hiện tại, mà về lâu dài có thể tối ưu hoá lợi nhuận, tận dụng tối đa nguồn nhân lực sẵn có, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời đại công nghiệp 4.0.

 

Dự báo đến năm 2025, ngành Dệt May Việt Nam sẽ cần thêm 130.000 lao động có trình độ đại học, cao đẳng. Năm 2030, con số này sẽ tăng lên trên 210.000 lao động.

 

Minh Vũ

 

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang