Thứ Sáu, 29/03/2024 19:31:34 GMT+7

Tin đăng lúc 07-01-2020

Lượt xem: 1611

Bạc Liêu phát triển mô hình cánh đồng lớn

Bạc Liêu từ lâu nổi tiếng về sản xuất nông nghiệp, với những cánh đồng lúa mênh mông "thẳng cánh cò bay". Người nông dân Bạc Liêu vốn cần cù, chăm chỉ, nhiều "lão nông tri điền" năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và làm hiệu quả. Mấy năm gần đây mô hình cánh đồng lớn (CÐL) ở Bạc Liêu phát triển khá mạnh mẽ, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Bạc Liêu phát triển mô hình cánh đồng lớn
Sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn ở Bạc Liêu. Ảnh: Phan Thanh Cường

Cánh đồng lớn, hiệu quả lớn

 

Ngay từ đầu năm 2010, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu đã quan tâm chỉ đạo ngành nông nghiệp, các cấp ủy đảng, chính quyền các huyện, thị xã cần có nghị quyết, mục tiêu, kế hoạch, biện pháp cụ thể thực hiện mô hình CÐL. Sau Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ 15, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Tỉnh ủy Bạc Liêu đã ra Nghị quyết số 03 về tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung: Việc xây dựng CÐL gắn với bao tiêu sản phẩm đóng vai trò quan trọng trong thực hiện mục tiêu cơ cấu lại và hướng đến sản xuất hàng hóa lớn. Nghị quyết của Ðảng bộ tỉnh nêu rõ mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 xây dựng CÐL, với tổng diện tích đạt 100.000 ha, nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới…

 

Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo thực hiện tốt việc quy hoạch và tổ chức tốt sản xuất nông nghiệp. Ðến nay, vùng ngọt của tỉnh đã hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao với tổng diện tích gần 62.270 ha, gieo trồng hai đến ba vụ lúa/năm. Cùng với xây dựng CÐL, chính quyền và ngành nông nghiệp tỉnh khuyến khích nông dân trồng những giống lúa chất lượng cao (chiếm gần 80% diện tích gieo trồng) theo nhu cầu của thị trường như: OM 4900, OM 5451, OM 2517, Nàng Hoa 9, Ðài Thơm 8, Lộc Trời 18… Ngoài ra, tùy theo điều kiện đặc thù của địa phương mà phát triển thêm các giống lúa đặc sản như: Một bụi đỏ Hồng Dân (ở huyện Hồng Dân), Tài nguyên Vĩnh Lợi (ở huyện Vĩnh Lợi)…

 

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu Lưu Hoàng Ly khẳng định: Việc mở rộng vùng sản xuất hàng hóa và không ngừng đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ mới vào sản xuất như: Chương trình "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", IPM, mô hình canh tác lúa thông minh - SRI… đã giúp Bạc Liêu mỗi năm đạt sản lượng hơn 1,12 triệu tấn lúa hàng hóa. Tuy nhiên phải thừa nhận rằng, sau hơn tám năm thực hiện, mô hình CÐL ở Bạc Liêu phát triển chưa đáp ứng yêu cầu, chưa tạo được đột phá lớn trong sản xuất, nâng cao giá trị của hạt lúa. Cụ thể, từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh Bạc Liêu mới xây dựng 26 CÐL với tổng diện tích gieo trồng 50.000 ha. Trong đó, hình thức hợp đồng bao tiêu theo chuỗi (liên kết khép kín) mới chiếm 50% diện tích gieo trồng, nghĩa là chỉ chiếm khoảng 25.000 ha. Theo thống kê về bao tiêu lúa gạo của các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) những năm gần đây, sản lượng lúa được bao tiêu chỉ chiếm khoảng 26% tổng sản lượng, còn lại hơn 70% sản lượng lúa nông dân phải tự tìm kiếm đầu ra…

 

Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân Huỳnh Chí Nguyện cho biết, Hồng Dân là huyện trọng điểm trồng lúa của tỉnh Bạc Liêu. Mấy năm qua, Công ty TNHH một thành viên Lương thực Vĩnh Lộc (thuộc Tập đoàn Lộc Trời) đã hợp tác, liên kết chặt chẽ với chính quyền và nông dân huyện Hồng Dân và các huyện lân cận để xây dựng CÐL chuyên trồng lúa. Nhờ sản xuất theo mô hình CÐL, cho nên các khoản chi phí cho sản xuất giảm khá nhiều, lợi nhuận tăng thêm gần ba triệu đồng/ha lúa.

 

Trên cánh đồng lúa chín vàng, óng mượt sắp đến ngày thu hoạch, ông Nguyễn Văn Thích ở xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân phấn khởi chia sẻ: Nhiều hộ nông dân trong huyện, trong đó có gia đình tui tham gia mô hình CÐL mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Cụ thể như việc xuống giống đồng loạt, chủ động về thủy lợi, phòng, chống dịch bệnh, thu hoạch tập trung và lợi nhuận tăng cao hơn so với sản xuất lúa truyền thống.

 

Nhanh chóng khắc phục những hạn chế, bất cập

 

Bên cạnh những ưu điểm và kết quả đáng mừng nêu trên, mô hình sản xuất lúa CÐL ở Bạc Liêu trong thời gian qua còn bộc lộ không ít hạn chế, bất cập. Cụ thể, nhiều huyện chưa xây dựng các mô hình hay để khuyến khích nông dân tham gia CÐL, đồng thời chưa thu hút các doanh nghiệp tham gia liên kết hợp tác với nông dân. Trong đó, vai trò của các tổ hợp tác, HTX chưa được phát huy và gắn kết với nông dân, chưa đặt hiệu quả kinh tế làm động lực để khuyến khích các thành viên góp vốn mở rộng diện tích. Một số địa phương còn thành lập HTX theo kiểu rập khuôn, hình thức, chưa có hiệu quả thiết thực.

 

Ngoài ra, mối liên kết sản xuất và bao tiêu lúa gạo thời gian qua cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Ðáng lưu ý, có tình trạng nông dân và doanh nghiệp không thực hiện tốt việc hợp tác, ký kết. Có hiện tượng một số doanh nghiệp, nông dân "bẻ kèo" khi giá lúa biến động; lợi dụng liên kết để cung ứng, tiêu thụ vật tư nông nghiệp kém chất lượng. Từ tỉnh đến các huyện, thị xã chưa có chính sách khuyến khích, nhân rộng mô hình CÐL và bao tiêu sản phẩm, nhất là các chính sách ưu đãi về tín dụng, nhằm nhân rộng mô hình CÐL, đưa nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới…

 

Theo Báo Nhân Dân

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang