Thứ Bẩy, 20/04/2024 00:33:53 GMT+7

Tin đăng lúc 22-10-2018

Lượt xem: 1707

Bạc Liêu nỗ lực tạo đột phá mới từ kinh tế biển

Là tỉnh gần cuối cực nam của Tổ quốc, ngoài thế mạnh nghề trồng lúa, Bạc Liêu còn có 56 km bờ biển. Tuy nhiên, tiềm năng biển của tỉnh nhiều năm qua chưa được khai thác thật sự hiệu quả, bền vững. Từ thực tiễn của địa phương, đầu năm 2018, Tỉnh ủy Bạc Liêu đã có Kết luận số 67-KL/TU về tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế biển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, tạo đột phá mới, phấn đấu trở thành một trong những tỉnh giàu mạnh từ kinh tế biển…
Bạc Liêu nỗ lực tạo đột phá mới từ kinh tế biển
Tham quan mô hình nuôi tôm trong nhà kín tại huyện Hòa Bình.

Trụ cột trong chiến lược phát triển

 

Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương chia sẻ: Ngay từ năm 2012, Tỉnh ủy Bạc Liêu đã ra Nghị quyết số 04 về phát triển kinh tế biển và vùng phía nam quốc lộ 1A đến năm 2015 và những năm tiếp theo. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết này, tiềm năng, thế mạnh kinh tế từ biển của tỉnh được chú trọng và khai thác bước đầu có hiệu quả. Song, qua nghiên cứu, tìm hiểu, bàn bạc trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Tỉnh ủy, chúng tôi nhận thấy tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển của Bạc Liêu còn rất lớn nhưng chưa được đầu tư thỏa đáng, chưa vững chắc, tương xứng… Chính vì vậy, ngày 15-8-2018, Tỉnh ủy đã ra Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về phát triển kinh tế biển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chúng tôi xác định rõ: Phát triển kinh tế biển là một trụ cột rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh. Đồng thời, Tỉnh ủy đã tổng kết 10 năm về thực hiện kinh tế biển, trên cơ sở đó đã thành lập Ban Chỉ đạo về phát triển kinh tế biển, do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban; Chủ tịch UBND tỉnh làm Phó Trưởng ban Thường trực…

 

Trong chiến lược phát triển kinh tế biển đến năm 2030, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bạc Liêu xác định: Phát triển thủy sản (bao gồm nuôi tôm, đánh bắt thủy sản xa bờ) là trọng tâm. Đồng thời, gắn với việc khai thác, phát triển tiềm năng điện gió, điện mặt trời, phát triển du lịch…, coi đây là những tiềm năng, thế mạnh rất lớn, những dự án động lực để thúc đẩy Bạc Liêu “tăng tốc”, phấn đấu sớm trở thành tỉnh khá trong khu vực và cả nước… Hiện nay, tại vùng bãi bồi ven biển có dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu tại xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu. Đây là dự án lớn đã và đang triển khai thực hiện trong mấy năm qua, bước đầu tạo triển vọng đáng khích lệ. Dự án có tổng số vốn (giai đoạn 1) hơn 5.200 tỷ đồng, do Công ty TNHH xây dựng thương mại du lịch Công Lý làm chủ đầu tư, công suất 99,2 MW, bao gồm 62 tua-bin, công suất mỗi tua-bin là 1,6 MW. Ngoài ra, tại vùng ven biển Bạc Liêu hiện có hơn 10 nghìn ha đất chuyên nuôi trồng thủy sản. Trong đó diện tích nuôi tôm sú, tôm thẻ siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh 21.182 ha; quảng canh cải tiến chuyên tôm 500 ha. Nhiều năm qua, mỗi năm tỉnh đạt tổng sản lượng hơn 200 nghìn tấn thủy, hải sản, riêng tôm hơn 116 nghìn tấn… Toàn tỉnh hiện có sáu công ty, doanh nghiệp nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, với tổng diện tích 800 ha, sản lượng hơn 4.000 tấn. Điển hình là mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao siêu thâm canh trong nhà kín của Tập đoàn Việt - Úc; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh hai giai đoạn ứng dụng công nghệ biofloc của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trúc Anh…

 

Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Việt - Úc Đặng Quốc Tuấn cho biết: Hiện nay, đơn vị đang triển khai xây dựng Khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao tại ấp Giồng Nhãn, xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu, nằm trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh, với tổng diện tích 315 ha. Khu phức hợp trên bao gồm các hạng mục: Khu sản xuất giống, nhà máy chế biến thức ăn, khu nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín và nhà máy chế biến tôm xuất khẩu. Tổng mức vốn đầu tư cho dự án phức hợp trên khoảng 1.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động địa phương, nhằm góp phần đưa Bạc Liêu trở thành “thủ phủ tôm” của cả nước…

 

Tin vui mới, động lực mới

 

Có thể nói, một trong những tin vui, sự kỳ vọng mới đối với Đảng bộ và nhân dân Bạc Liêu, đó là gần đây, tại vùng ven biển của tỉnh đã và đang thực hiện một số dự án trọng điểm, bước đầu tạo triển vọng mới; điển hình như dự án điện gió, điện mặt trời. Đặc biệt, dự án “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước…

 

Mới đây, Bạc Liêu đã được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch phát triển điện gió với công suất lắp đặt đến năm 2020 là 401MW và đến năm 2030 là hơn 1.500MW. Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã và đang rất nỗ lực khơi dậy các tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển, nhằm thật sự là “trụ cột” hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo đó, Bạc Liêu chú trọng phát triển nguồn năng lượng tái tạo điện khí, điện gió, điện mặt trời theo chủ trương ưu tiên của Chính phủ. Đồng thời, chủ động và tích cực mời gọi đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời ở khu vực ven biển và các khu đất kém hiệu quả; tạo điều kiện cho nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư, mở rộng Dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu giai đoạn 3 và các dự án điện gió, điện mặt trời vùng ven biển. Mới đây, Tập đoàn Energy Capital (Mỹ) đã có các động thái tích cực nhằm đầu tư xây dựng dự án Nhà máy sản xuất điện khí LNG tại Bạc Liêu, với dự toán ban đầu lên đến hàng tỷ USD.

 

Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình Dương Văn Thới phấn khởi cho biết: “Huyện Hòa Bình có gần 20 km bờ biển, từ xã Hiệp Thành (TP Bạc Liêu) đến cống Cái Cùng (giáp ranh xã Long Điền, huyện Đông Hải). Tại vùng ven biển của huyện, mấy năm qua có dự án nuôi tôm công nghệ cao (trong nhà kín) của Tập đoàn Việt - Úc khá hiệu quả. Hiện nay, chúng tôi đang đẩy mạnh thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhất là tạo “đất sạch” cho các dự án điện mặt trời sắp triển khai”.

 

Đến cửa biển Gành Hào (huyện Đông Hải), thấy cán bộ, nhân dân từ huyện đến các xã Long Điền, Long Điền Đông, Điền Hải, thị trấn Gành Hào… rất tất bật, khẩn trương lo toan công việc. Tại đây, nhiều đầm tôm nuôi theo mô hình công nghiệp của người dân chuẩn bị vào mùa vụ thu hoạch, làm cho vùng ven biển này thêm nhộn nhịp, sôi động… Bí thư Huyện ủy Đông Hải Phan Hùng Việt thông tin: Mới đây, Tỉnh ủy Bạc Liêu đã có Nghị quyết số 06-NQ/TU “Xây dựng huyện Đông Hải trở thành huyện trọng điểm về kinh tế biển, phấn đấu từng bước đạt các tiêu chí nâng lên thị xã”.

 

Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, nhất là với cách nhìn, tư duy và sự quyết tâm của lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh, hy vọng trong tương lai không xa vùng ven biển Bạc Liêu sẽ được đầu tư, khai thác hiệu quả cao, bền vững, thật sự tạo đột phá mới, góp phần đưa Bạc Liêu “cất cánh”, sớm trở thành tỉnh giàu đẹp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

 

Theo báo Nhân dân


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang