Thứ Sáu, 19/04/2024 13:17:21 GMT+7

Tin đăng lúc 21-01-2019

Lượt xem: 8907

Bắc Giang: Đổi mới căn bản hoạt động thương mại

Năm 2018, ngành Công Thương Bắc Giang đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, các chỉ tiêu chính của ngành đều hoàn thành vượt mức kế hoạch và đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với mức tăng chung của cả nước.
Bắc Giang: Đổi mới căn bản hoạt động thương mại
XK vải thiều là một trong những lĩnh vực chủ lực phát triển thương mại Bắc Giang

Chú trọng lĩnh vực trọng điểm

 

Báo cáo của Sở Công Thương Bắc Giang cho thấy, năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ đạt 25.535 tỷ đồng, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) qua địa bàn tỉnh đạt 7.500 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2017.


Ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang - cho biết, hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) trên địa bàn ngày càng đi vào chiều sâu, trọng tâm, trọng điểm, góp phần quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh. Đơn cử năm 2018, sản lượng vải thiều tiêu thụ đạt 215.800 tấn, tổng doanh thu đạt 5.755 tỷ đồng. So với năm 2017, sản lượng tiêu thụ tăng 124.300 tấn và doanh thu tăng 448 tỷ đồng. "Vải thiều Bắc Giang năm nay đã XK đến hơn 30 nước với tổng sản lượng 97.100 tấn; trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường chủ lực, chiếm 88,7% sản lượng XK. Ngoài ra, vải thiều đã XK thành công sang EU, Trung Đông, Nga, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Australia, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc..." - ông Trần Quang Tấn thông tin.

 

Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã hỗ trợ 9 doanh nghiệp (DN), hợp tác xã sản xuất 4 nhóm sản phẩm: Thịt lợn, nấm, rau an toàn và mỳ Chũ với tổng kinh phí 500 triệu đồng để xây dựng website quảng bá, đầu tư trang thiết bị.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn vẫn còn hạn chế do chịu ảnh hưởng của nền sản xuất quy mô nhỏ, chưa gắn chặt sản xuất với tiêu thụ và phát triển thị trường. Hạ tầng thương mại chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; thu hút đầu tư vào hạ tầng thương mại khu vực nông thôn đạt thấp.

 

Tăng cường kết nối cung - cầu

 

Mặc dù XTTM đã đi vào chiều sâu, nhưng ông Trần Quang Tấn cũng thừa nhận, quy mô hoạt động còn nhỏ; công tác xây dựng thương hiệu, quảng bá tiếp thị, tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thông qua các chương trình XTTM quốc gia chưa được đầu tư đúng mức.

 

Do vậy, thời gian tới, Sở Công Thương Bắc Giang sẽ tăng cường các hoạt động kết nối cung - cầu: Liên kết với các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh lân cận để tiêu thụ hàng nông sản. Bên cạnh đó, kết nối các đơn vị sản xuất nông sản đặc trưng của tỉnh vào hệ thống siêu thị Big C; Coop.mart; Aone; VinMart... Ngoài ra, Sở tiếp tục triển khai Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2016 - 2020, Đề án Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến 2020, chương trình XTTM trong nước...

 

Bắc Giang sẽ đổi mới căn bản công tác XTTM, tăng cường tìm kiếm, mở rộng thị trường, đẩy mạnh XK... "Tỉnh sẽ lựa chọn một số sản phẩm tiềm năng, chủ lực và đặc trưng để thực hiện các chương trình XTTM đem lại hiệu quả thiết thực, tạo chuỗi liên kết trong sản xuất, thu mua và tiêu thụ"- ông Trần Quang Tấn lưu ý.

 

Năm 2019, ngành Công Thương Bắc Giang đặt mục tiêu giá trị XK đạt 7.850 triệu USD, tăng 12,1%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ đạt 29.500 tỷ đồng, tăng 15,5% so với năm 2018. Sự phát triển nhanh và ổn định trong lĩnh vực thương mại sẽ giúp Bắc Giang giữ vững vị trí trong nhóm dẫn đầu của vùng Trung du miền núi Bắc bộ.

 

Nguồn Congthuong


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang