Thứ Tư, 24/04/2024 20:38:07 GMT+7

Tin đăng lúc 19-01-2023

Lượt xem: 1092

Bắc Giang: Bứt phá vượt bậc, tăng trưởng kinh tế đứng thứ 2 cả nước

Sau một năm nhìn lại, tỉnh Bắc Giang đã có nhiều nỗ lực vượt qua trở ngại, thách thức, đạt được những kết quả vượt bậc, mang tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội; trở thành điểm sáng của cả nước khi nền kinh tế duy trì đà phục hồi mạnh mẽ trong điều kiện khó khăn; tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) cả năm đạt 19,3% (gấp gần 2,5 lần bình quân chung cả nước), cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 2 cả nước.
Bắc Giang: Bứt phá vượt bậc, tăng trưởng kinh tế đứng thứ 2 cả nước
Tỉnh Bắc Giang đã có một năm phát triển kinh tế vượt bậc, tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng thứ 2 cả nước. Ảnh: bacgiang.gov

Theo ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, bước vào năm 2022, cùng với cả nước, tỉnh Bắc Giang tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức khi cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu leo thang; dịch COVID-19 và một số dịch bệnh nguy hiểm vẫn diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. 

 

Nhưng với quyết tâm đẩy nhanh quá trình phục hồi phát triển kinh tế, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, tạo đà cho thực hiện thắng lợi các mục tiêu cả giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, UBND tỉnh đã chủ động bám sát chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh ủy, HĐND tỉnh. Đồng thời chỉ đạo triển khai quyết liệt, bài bản, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát tình hình thực tiễn, tập trung xử lý những vấn đề tồn đọng kéo dài và giải quyết ứng phó kịp thời những vấn đề mới phát sinh; nỗ lực hoàn thành khối lượng công việc, nhiệm vụ ngày càng nhiều và nặng nề hơn.

 

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, chủ động, tích cực của Đảng bộ và chính quyền các cấp và sự ủng hộ, tham gia của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế xã hội năm 2022 của Bắc Giang đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, toàn diện trên các lĩnh vực; vị thế, uy tín của tỉnh ngày càng được nâng lên. Bắc Giang đã nhanh chóng vượt qua khó khăn, tận dụng tốt các cơ hội để bứt phá.

 

Cụ thể, tỉnh có 17/18 chỉ tiêu chủ yếu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Tình hình kinh tế xã hội đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Nhiều chỉ tiêu chủ yếu cao hơn bình quân chung của cả nước. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Sản xuất công nghiệp tăng mạnh là động lực chính cho tăng trưởng; sản xuất nông nghiệp ổn định chính là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế. Bên cạnh đó ngành dịch vụ cũng phát triển sôi động; vốn đầu tư quản lý chặt chẽ, phát huy hiệu quả; hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện đáng kể.

 

Kinh tế của tỉnh duy trì đà phục hồi mạnh mẽ trong điều kiện khó khăn; tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) cả năm đạt 19,3% (gấp gần 2,5 lần bình quân chung cả nước), cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 2 cả nước. Trong đó, ngành công nghiệp - xây dựng tăng 26,7 % (công nghiệp tăng 30,9 %, xây dựng tăng 0,5%); nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2%; dịch vụ tăng 7,5 %;..

 

Đặc biệt, trong lĩnh vực công nghiệp, tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là những khó khăn về vốn, thị trường, lưu thông hàng hóa, thủ tục hành chính… Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả năm tăng 31,5%. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá hiện hành) cả năm đạt 407.928 tỷ đồng, vượt 11,3% kế hoạch. Theo lĩnh vực sản xuất, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục chiếm tỷ trọng chi phối, là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh nói chung và ngành công nghiệp nói riêng (chiếm 98,5% giá trị sản xuất toàn ngành, tăng 0,5%). Các ngành công nghiệp còn lại chiếm tỷ trọng nhỏ, tiếp tục có xu hướng giảm.

 

Lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là giá phân bón tăng cao, tiêu thụ nông sản gặp nhiều rào cản. UBND tỉnh đã chỉ đạo tập trung thực hiện hiệu quả các đề án, dự án, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; xây dựng các phương án, kịch bản chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ nông sản thích ứng linh hoạt. Do vậy, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản duy trì tăng trưởng, giá trị sản xuất toàn ngành cả năm tăng 2,1%.

 

Về đầu tư phát triển, trong năm 2022, các hoạt động sản xuất kinh doanh duy trì đà phục hồi và phát triển mạnh mẽ, nhờ vậy đầu tư phát triển tăng trưởng mạnh. Tổng vốn đầu tư phát triển cả năm đạt 73.848 tỷ đồng, chiếm 47,4% GRDP, tăng 17,9%, vượt 2,6% kế hoạch .

 

Về vấn đề văn hóa xã hội, theo Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Giang Mai Sơn, công tác phát triển văn hóa được quan tâm, chú trọng hơn. Nhiều sự kiện văn hóa, thể thao mang tầm quốc gia, quốc tế được tổ chức thành công đã góp phần nâng cao vị thế và uy tín của tỉnh. Chất lượng giáo dục, y tế được duy trì; an sinh xã hội được đảm bảo. Công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện hiệu quả; Bắc Giang nằm trong nhóm các tỉnh, thành có tỷ lệ bao phủ vaccine COVID-19 đạt cao nhất trong toàn quốc. Công tác chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính cũng đạt kết quả nổi bật. Chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp có nhiều đổi mới, sáng tạo, năng động và hiệu quả hơn; nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài được giải quyết; các vụ việc phát sinh được ứng phó kịp thời…

 

Các lĩnh vực y tế, giáo dục… cũng được quan tâm chỉ đạo, ứng biến linh hoạt để thích nghi với bối cảnh dịch bệnh. Bắc Giang là địa phương đi đầu trong cả nước về chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện hiệu quả các hình thức dạy học trực tiếp, trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến. Kết quả thi học sinh giỏi năm vừa qua, tỉnh Bắc Giang xếp thứ 8 toàn quốc với 66 giải, cao nhất từ khi tái thành lập tỉnh. Tỉnh đã đăng cai tổ chức thành công môn cầu lông SEA Games 31 tại Bắc Giang, qua đó đã để lại ấn tượng tốt đẹp với bạn bè trong và ngoài nước về một Bắc Giang an toàn, thân thiện, mến khách.

 

Khơi thông điểm nghẽn, tạo động lực phát triển

 

Dự báo năm 2023, tình hình kinh tế thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Nguy cơ suy thoái ở các nền kinh tế lớn trên thế giới ngày càng hiện rõ, có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực. Cùng với cả nước, Bắc Giang đứng trước những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, Bắc Giang cũng có nhiều yếu tố thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Trong đó, các thành tựu quan trọng đạt được trong những năm qua đã nâng cao vị thế, uy tín của tỉnh; trở thành một trong những điểm đến quan trọng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, năm 2023 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, năm "bản lề" tạo ra những chuyển biến thực chất trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 đề ra. Theo đó, tỉnh Bắc Giang kỳ vọng và đặt những mục tiêu lớn hơn để bứt phá mạnh mẽ trong năm 2023. Đặt ra mục tiêu tăng trưởng 14,5% năm 2023 là một mục tiêu khó và đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn mới có thể hoàn thành.

 

Để đạt được mục tiêu này, theo đồng chí Lê Ánh Dương, tỉnh Bắc Giang cần tập trung vào đổi mới tư duy trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, đặc biệt là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc của chính quyền các cấp gắn với giao nhiệm vụ trọng tâm cụ thể cho người đứng đầu các sở, ngành, địa phương. Tạo chuyển biến rõ nét trên các lĩnh vực, khơi thông điểm nghẽn, tạo động lực cho phát triển.

 

Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để tạo quỹ đất sạch, thúc đẩy thu hút đầu tư. Xử lý kịp thời những vướng mắc, bất cập, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công khai, minh bạch; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thu hút đầu tư. Tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm trong công tác đầu tư; kiên quyết xử lý đối với những nhà đầu tư cố tình không thực hiện theo quy hoạch, xử lý thu hồi các dự án không triển khai.

 

Quan tâm tháo gỡ những khó khăn về thủ tục, cơ chế, chính sách trên cơ sở căn cứ quy định của pháp luật nhằm tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp hoạt động.

 

Chú trọng đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, công nghiệp, đô thị. Trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông mang tính kết nối, mở rộng không gian mới để phát triển. Đẩy mạnh kết nối với các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Nội, Quảng Ninh và các tuyến đường kết nối các địa phương trong tỉnh. Những dự án giao thông mang tính kết nối trong và ngoài tỉnh đã và đang được triển khai tới đây sẽ là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

 

Đẩy mạnh thu ngân sách nhà nước; triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp quản lý thuế, theo dõi chặt chẽ tiến độ thu theo từng sắc thuế, địa bàn, khu vực thu; xử lý, giảm tỷ lệ và mức nợ đọng xây dựng cơ bản, không để phát sinh nợ đọng mới.

 

Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động tham gia sản xuất công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, dịch vụ; đảm bảo về số lượng và chất lượng, có kỹ năng nghề, có bằng cấp, chứng chỉ.

 

Chủ động phương án ứng phó hiệu quả với dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác có thể xảy ra, góp phần ổn định và phát triển kinh tế xã hội. Tập trung đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị, thuốc, hóa chất, sinh phẩm, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác, sẵn sàng đáp ứng kịp thời khi dịch bùng phát và lây lan rộng.

 

Theo báo Chính phủ


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang