Thứ Sáu, 19/04/2024 16:36:53 GMT+7

Tin đăng lúc 26-09-2017

Lượt xem: 2772

Ba vấn đề cần chuyển đổi của vùng kinh tế Đông Nam Bộ

Vấn đề cơ bản của tăng trưởng và cơ cấu kinh tế Đông Nam Bộ hiện nay là năng suất. Giống như tình trạng chung của Việt Nam, tăng trưởng GRDP của khu vực này chủ yếu đến từ việc gia tăng các nhân tố đầu vào, bao gồm lao động và vốn, còn tỷ lệ đóng góp từ năng suất rất hạn chế.
Ba vấn đề cần chuyển đổi của vùng kinh tế Đông Nam Bộ

Tăng trưởng nhờ vào gia tăng lao động và vốn

 

Đông Nam Bộ là khu vực có tỷ suất nhập cư cao nhất cả nước, đồng thời thu hút được đầu tư tư nhân (cả trong nước và FDI) nhiều nhất nước. Sự gia tăng liên tục hai nhân tố đầu vào này đã giúp Đông Nam Bộ duy trì được tốc độ tăng trưởng GRDP cao hơn mặt bằng chung của cả nước, do vậy đóng góp rất lớn vào kết quả kinh tế chung của cả nước. Tuy nhiên, do tăng trưởng chủ yếu đến từ hai nhân tố đầu vào hữu hình, trong khi tốc độ tăng năng suất không cao, nên không thể tạo ra được động lực tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao trong tương lai.

 

Hơn nữa, vùng kinh tế Đông Nam Bộ sớm hay muộn cũng sẽ phải đối diện với một thực tế là dư địa tăng vốn và lao động sẽ dần cạn kiệt. Bởi vì nếu tiếp tục xu thế tăng vốn và lao động để phát triển các ngành công nghiệp thâm dụng lao động như hiện nay thì tất yếu sẽ dẫn tới gia tăng kẹt xe và áp lực quá tải hạ tầng giao thông - vốn đang là lực cản tăng trưởng rất lớn của khu vực.

 

 

Một điều quan trọng hơn là tỷ trọng GDP có tính sáng tạo và đổi mới trong vùng kinh tế Đông Nam Bộ cũng rất thấp. Đơn cử như trường hợp của TP Hồ Chí Minh - đầu tàu không chỉ của vùng kinh tế Đông Nam Bộ mà còn của cả quốc gia. Trong các nhóm ngành đóng góp tỷ trọng cao cho GDP của TP Hồ Chí Minh, theo thống kê bao gồm dệt may, da giày, thực phẩm, đồ uống, cao su, hóa chất, kim loại đúc sẵn và hàng điện tử.

 

Về cơ bản, những ngành công nghiệp này – trừ điện tử - đều thuộc về nền công nghiệp cũ, gọi là công nghiệp 2.0. Ngành công nghiệp điện tử - hiện chiếm khoảng 5% trong cơ cấu công nghiệp của TP CM - nghe thì có vẻ rất “high-tech” (công nghệ cao), song thực ra giá trị gia tăng do nền kinh tế nội địa tạo ra lại cũng rất thấp vì thiếu vắng các ngành công nghiệp hỗ trợ nội địa. Một thành phố đầu tàu không chỉ của vùng mà còn của cả nước, có vị thế và động lực tốt nhất mà còn như thế, thì các nơi khác sẽ ra sao? Bài toán cải thiện năng suất đi đôi với phát triển công nghiệp và dịch vụ có giá trị gia tăng cao, vì lẽ đó, sẽ là một “nan đề” vùng kinh tế Đông Nam Bộ cần giải.

 

Chất lượng đô thị hóa hạn chế

 

Đối với các nền kinh tế ở thế kỷ 21, đô thị đã trở thành động lực tăng trưởng chính. Theo số liệu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thì đến thời điểm nay, hơn 50% GDP của toàn thế giới đang được tạo ra ở các đô thị. Trong tương lai, đến năm 2050, các đô thị sẽ đóng góp tới hơn 2/3 vào GDP của toàn thế giới. Cũng theo WEF, nguyên nhân chính nằm đằng sau hiện tượng này là do năng suất của đô thị trung bình cao hơn khoảng 60% so với mặt bằng chung của toàn nền kinh tế.

 

Theo số liệu của Viện Brookings, trong năm 2015, 123 đô thị lớn nhất thế giới tuy chỉ chiếm 13% dân số nhưng lại đóng góp tới 32% GDP của toàn thế giới. Trong khi đó, ở Việt Nam, 5 thành phố trực thuộc trung ương ở Việt Nam chiếm tới 21% dân số nhưng chỉ tạo được 35% GDP của cả nước. Điều này có nghĩa là mức chênh lệch giữa năng suất đô thị và mặt bằng năng suất chung ở Việt Nam thua xa các đô thị lớn trên thế giới.

 

Nguyên nhân là do tốc độ tăng năng suất của các đô thị lớn ở Việt Nam rất khiêm tốn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2005-2014, tỷ trọng đóng góp của 5 thành phố lớn trực thuộc Trung ương vào GDP hoàn toàn không đổi, truy trì ở ngang ở mức 34-35% (xem Hình 4). Điều này có nghĩa là tốc độ tăng năng suất của 5 thành phố trực thuộc trung ương này cũng chỉ ở mức tương đương với mặt bằng chung của cả nước.

 

 

Như vậy, trong khi đô thị đã trở thành động lực tăng trưởng chính của nhiều quốc gia trong thế kỷ 21 thì ở Việt Nam, đô thị lại chưa trở thành động lực tăng trưởng của. Tại sao lại như vậy?

 

Có nhiều nguyên nhân, song một trong những nguyên nhân chính là quá trình đô thị hóa ở Việt nam diễn ra manh mún, không bài bản khiến cho các hoạt động kinh tế tuy tập trung vào đô thị nhưng thực tế năng suất vẫn thấp. Quay lại trường hợp của TP Hồ Chí Minh, tuy mức độ gia tăng dân số rất cao song cho đến nay vẫn tăng trưởng chủ yếu dựa vào các ngành công nghiệp 2.0, do đó thu hút nhiều lao động, trong khi đô thị lại chưa được chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở hạ tầng, lập tức gây quá tải hạ tầng, kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm, tội phạm gia tăng… Nói cách khác, chúng ta còn thiếu tầm nhìn để nhìn thấy xu hướng đô thị hóa. Công tác quy hoạch, hoạch định chính sách không theo kịp để đón trước xu thế đô thị hóa và gia tăng dân số đi kèm.

 

Thiếu đầu tư trầm trọng

 

Khu vực kinh tế Đông Nam Bộ hiện đóng góp khoảng 45% GDP, khoảng 50% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, và ngân sách cả nước (xem Hình 1) Như vậy, Đông Nam Bộ rõ ràng là một khu vực đang thực sự vượt trội về năng suất và tăng trưởng so với các vùng còn lại trong cả nước.

 

Thế nhưng, đầu tư dành cho khu vực Đông Nam Bộ chỉ chiếm khoảng 18,5% tổng vốn đầu tư của cả nước, hoàn toàn không tương xứng với những đóng góp to lớn của vùng. Riêng TP Hồ Chí Minh, từ ngày 1/1/2017, tỷ lệ thu ngân sách được giữ lại đã giảm mạnh từ 23% xuống chỉ còn 18%. Hệ quả trong việc bất cân đối giữa đóng góp và nguồn thu được giữ lại là tất cả mọi mặt kinh tế - xã hội đều trong trạng thái quá tải nguồn tái đầu tư, thiếu động lực để phát triển và thiếu động lực để lan tỏa, thúc đẩy vùng Đông Nam Bộ phát triển.

 

Trong khi địa phương thiếu động lực thì doanh nghiệp lại đang bị tận thu, cả hai cùng nhau phản ảnh một thực tế rất không lành mạnh, đó là đang tồn tại nhiều nút thắt khắc nghiệt về mặt chính sách phát triển đô thị và phát triển doanh nghiệp – hai động lực tăng trưởng hàng đầu của Đông Nam Bộ.

 

Thiếu thốn nguồn lực, tắc nghẽn cơ sở hạ tầng, và chưa có một thể chế phù hợp cho hợp tác và liên kết vùng là ba nút thắt đối với tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ. Những nút thắt này nếu không được tháo gỡ thì tốc độ tăng trưởng của Đông Nam Bộ nhất định sẽ đi xuống, cơ cấu kinh tế sẽ khó chuyển đổi, cơ hội bứt phá vươn lên hầu như sẽ không có. Quan trọng không kém, khi sức sống và động lực của vùng kinh tế Đông Nam Bộ không còn mạnh mẽ như trước thì tất yếu dẫn đến sự guy giảm kinh tế của cả quốc gia. Ưu tiên đầu tư cho TP Hồ Chí Minh và cả vùng Đông Nam Bộ vì vậy, cần được xem xét như một ưu tiên chiến lược đầu tư kinh tế của cả nước, nếu nhìn trong tái cơ cấu kinh tế tổng thể và chuyển đổi mô tăng trưởng cho Thành phố, khu vực và cả nước.

 

Nguồn Enternews.vn

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang