Thứ Bẩy, 20/04/2024 01:39:27 GMT+7

Tin đăng lúc 16-05-2023

Lượt xem: 1182

Bà Rịa - Vũng Tàu hướng tới phát triển CNHT có chiều sâu

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đặt nhiệm vụ ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) làm trọng tâm, thúc đẩy liên kết, tạo vững chắc trong chuỗi cung ứng cho những ngành sản xuất chủ lực, qua đó cải thiện về tỷ lệ nội địa hóa một số ngành công nghiệp, tạo ra được các sản phẩm có hàm lượng công nghệ, độ chính xác cao, thân thiện với môi trường.
Bà Rịa - Vũng Tàu hướng tới phát triển CNHT có chiều sâu
Bà Rịa - Vũng Tàu đang đề ra các mục tiêu và giải pháp cụ thể để thúc đẩy phát triển CNHT có chiều sâu, trong đó có ngành Dệt May

Nhờ có cơ chế chính sách hỗ trợ tốt, nên số lượng và chất lượng doanh nghiệp đầu tư vào ngành CNHT của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tăng lên rõ rệt. Theo thống kê của Sở Công Thương, toàn tỉnh hiện có hơn 150 doanh nghiệp CNHT, tập trung vào các nhóm ngành cơ khí chế tạo; công nghiệp vật liệu; kết cấu thép; linh kiện điện tử...

 

Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước, sau một thời gian đầu tư vào ngành này, đã tăng vốn, đầu tư công nghệ vào sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, trở thành nhà cung cấp cho các công ty đa quốc gia. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có một số doanh nghiệp cung cấp sản phẩm cho các tập đoàn lớn như Công ty TNHH Pavonine Vina, cung cấp các phụ kiện điện tử bằng vật liệu nhôm cao cấp cho Tập đoàn Samsung với khoảng 2 triệu sản phẩm/năm; Chi nhánh Công ty TNHH Novas EZ cung cấp bảng mạch điện tử cho màn hình tivi của Samsung.

 

Tuy nhiên, toàn tỉnh hiện có 13 nhóm mặt hàng vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc, gồm: Máy móc thiết bị; hóa chất; nguyên liệu giày da; may mặc; hàng tiêu dùng; nguyên liệu hải sản; bao bì; khí công nghiệp; nguyên liệu gạch men; phân bón… Trong số này, ngành hàng phải nhập khẩu nhiều nhất là gỗ, giày da 80%; linh kiện, thiết bị cơ khí, điện tử 70%; may mặc 60%.

 

Đơn cử như ngành Dệt may, tỷ lệ nguồn cung nguyên, phụ liệu trong nước hiện rất thấp. Những sản phẩm đòi hỏi công nghệ cao, DN đều phải nhập từ nước ngoài mới đáp ứng yêu cầu khắt khe của khách hàng.

 

Là doanh nghiệp hoạt động trong ngành CNHT, ông Jang Jae Hyun, Tổng Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Novas EZ cho biết, với các tiềm năng sẵn có, Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều lợi thế để phát triển các ngành công nghiệp, trong đó có ngành CNHT. Tuy nhiên, việc phát triển ngành CNHT cần quy hoạch thành từng vùng kinh tế cụ thể, phải làm rõ vùng nào sản xuất linh kiện cho ngành gì. Đồng thời, Chính phủ cần sớm xây dựng Luật công nghiệp hỗ trợ và trình Quốc hội ban hành trong thời gian nhanh nhất. Ngoài ra, các cơ quan quản lý phải xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để phát triển các DN ngành CNHT đạt tỷ trọng 5-10% tổng số DN vào năm 2025.

 

Các DN trong tỉnh cũng đề xuất, Nhà nước cần có sự phối hợp cung cấp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phù hợp hơn với những ngành CNHT đòi hỏi độ chính xác cao cũng như đáp ứng việc dịch chuyển công nghệ từ các nhà máy sản xuất đa quốc gia đến Việt Nam.

 

Xác định tầm quan trọng của CNHT, thời gian qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Kế hoạch thúc đẩy phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh. Theo Kế hoạch, tỉnh đã đề ra các mục tiêu và giải pháp rất cụ thể để thúc đẩy phát triển ngành CNHT thuộc các lĩnh vực, y tế; điện - điện tử; dệt may - da giày và công nghiệp công nghệ cao. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ cung ứng đạt trên 45% nhu cầu sản phẩm, linh kiện, phụ tùng cho các ngành sản xuất thiết bị y tế và ngành Điện - Điện tử trên địa bàn tỉnh và thị trường trong nước. Đối với ngành Dệt may - Da giày, mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ cung ứng sản phẩm CNHT cho các ngành này trên địa bàn tỉnh đạt trên 65% với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ xuất khẩu.

 

Đến năm 2025, tỉnh sẽ phát triển sản xuất vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao như vật liệu polyme, composite, sợi cacbon cường độ cao…

 

Để đạt được mục tiêu đề ra, Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề ra các giải pháp để thúc đẩy phát triển CNHT như đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm CNHT; tập trung thu hút các dự án CNHT trong các lĩnh vực cơ khí chế tạo, hóa chất, vật liệu là những ngành có thế mạnh của tỉnh; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực ngành CNHT.

 

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Những năm tiếp theo, cụ thể là 5 năm tới, Bà Rịa - Vũng Tàu đặt mục tiêu sẽ trở thành tỉnh kiểu mẫu về phát triển công nghiệp gắn bảo vệ môi trường, phát triển CNHT có chiều sâu. Đặc biệt, tỉnh sẽ chú trọng phát triển CNHT chất lượng cao. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh xác định tiếp tục lựa chọn các dự án công nghiệp lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, không thâm dụng lao động. Tỉnh sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy ngành CNHT phát triển. Nhiều cơ hội phát triển CNHT đang mở ra với doanh nghiệp trong nước khi các tập đoàn lớn bắt đầu chuyển dịch chuỗi cung ứng đến Việt Nam. Tuy nhiên, để nắm bắt cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đòi hỏi các doanh nghiệp trong tỉnh phải thay đổi tư duy và đầu tư mạnh hơn.

 

Hy vọng, với nhiều giải pháp đồng bộ, cộng với cơ chế ưu đãi, Bà Rịa - Vũng Tàu đã chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực tốt nhất để đón các nhà đầu tư có năng lực đến đầu tư vào ngành CNHT của tỉnh trong thời gian tới.

 

Trường An


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang