Thứ Sáu, 26/04/2024 01:52:32 GMT+7

Tin đăng lúc 06-08-2022

Lượt xem: 549

Ấm áp tình đời trong ''Blouse trắng''

Sau khi gặt hái giải thưởng Văn học nghệ thuật Côn Sơn lần thứ VIII, giai đoạn 2016-2020 và giải thưởng Cuộc thi viết về đề tài “Vì bình yên cuộc sống” năm 2021, tác giả Trần Thúy Lành đã cho ra mắt tập truyện ngắn thứ ba có tựa đề “Blouse trắng”.
Ấm áp tình đời trong ''Blouse trắng''
Ảnh minh họa

Bức tranh mùa dịch vừa lắng xuống đã được Trần Thúy Lành phản ánh đậm nét qua 19 truyện ngắn trong “Blouse trắng”. Đó là cô gái tên Nhiên nung nấu quyết tâm thi đỗ Đại học Y, khao khát được khoác lên mình chiếc áo blouse trắng. Bố lấy vợ mới, mẹ lâm bệnh nặng, khối u ở dạ dày di căn vào gan phá hủy nội tạng. Gạt bỏ những giận hờn và nỗi ác cảm với người đã chen chân phá hoại hanh phúc gia đình mình, cô đã đỡ thành công ca đẻ khó của mẹ kế. Trải nghiệm và thử thách giúp cô dần trưởng thành (“Blouse trắng”).

 

Hạnh phúc của bác sĩ Thành trong truyện ngắn “Điều giản dị” đến từ những điều bình dị. Như món quà đầy ý nghĩa mà ông nhận được chính là bức tranh đầu tiên mà cậu bé mắc chứng bệnh tự kỷ - bệnh nhân của ông, tự vẽ. Bức chân dung vẽ ông với cặp kính lão, những nét vẽ thật có hồn khiến ông vô cùng xúc động.

 

Bức tranh mùa dịch được tái hiện rõ nét qua truyện ngắn “Cách ly”. Hình ảnh y, bác sĩ hay những bệnh nhân là phụ nữ đang nuôi con nhỏ bị tức sữa vì xa con, những trẻ em mếu máo khóc đòi mẹ, và cả cô sinh viên trường Y xung phong vào đội quân tình nguyện đi chống dịch mà khi nghe tin bố mất lại không được nhìn mặt bố lần cuối khiến người đọc vỡ òa trong cảm xúc.

 

Ở tập truyện ngắn này, mảng đề tài thế sự, phê phán những hiện trạng đáng buồn cũng được tác giả Trần Thúy Lành quan tâm thể hiện. Đó là “Sau cánh cửa” - câu chuyện hậu ly hôn với những đứa trẻ thiếu đi sự yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ đủ đầy của bố mẹ. Đó là “Miếu làng” khi bị phá bỏ đồng nghĩa với việc những giá trị văn hóa, hồn cốt của làng bị mai một. Đó là “Ngôi nhà thừa kế” mà anh em ruột rà nảy sinh mâu thuẫn chỉ vì mảnh đất hương hỏa của bố mẹ để lại.

 

Truyện ngắn của Trần Thúy Lành dày dặn vốn sống và giàu chất chiêm nghiệm. Cuộc sống cần có ước mơ, niềm đam mê, khát vọng thì mới thật sự ý nghĩa (“Điểm tựa”). Cho dù ước mơ có vụt tan biến thì con người ta cũng cần phải kiên cường và sống tích cực: “Ra đi sớm chắc gì đã đau khổ. Ở lại mãi trên cõi đời chắc gì đã vui sướng. Cuộc sống này có vì những đau khổ của ta mà dừng lại đâu. Phải sống, sống mạnh mẽ”.

 

Sinh năm 1980, Trần Thúy Lành là giáo viên ngữ văn của một trường trung học phổ thông tại Hải Dương. Là cô giáo, phải chăng bởi thế mà truyện ngắn của chị thường mang tính giáo dục, nhắc nhở, cảnh báo để người đọc suy ngẫm, rút ra bài học cho mình. Đọc “Cái bóng”, độc giả cảm nhận rõ sự quan trọng của việc bố mẹ nên gần gũi với con, lắng nghe và thấu hiểu chứ không nên vì tính sĩ diện mà gây áp lực, khiến con cái cô độc, chán nản đến nỗi muốn từ bỏ cuộc sống.

 

Truyện của Trần Thúy Lành cô đọng, súc tích. Chị thể hiện khả năng quan sát tỉ mỉ và phân tích tâm lý nhân vật sắc sảo. “Blouse trắng” với 19 câu chuyện, mỗi truyện ngắn mang một sắc thái riêng ẩn chứa thông điệp thấm đẫm giá trị nhân văn, ấm áp tình đời.

 

Theo Hà Nội mới

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang