Thứ Sáu, 29/03/2024 08:13:56 GMT+7

Tin đăng lúc 31-08-2020

Lượt xem: 1341

5 ‘điểm sáng’ của kinh tế trong 8 tháng đầu năm

Mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực cả trực tiếp và gián tiếp từ dịch bệnh COVID-19 ở trong nước và thế giới, nhưng nền kinh tế Việt Nam trong 8 tháng đầu năm vẫn đứng vững. Số liệu được công bố ngày 29/8 của Tổng cục Thống kê cho thấy nhiều “điểm sáng” của kinh tế tháng 8 và 8 tháng năm 2020.
5 ‘điểm sáng’ của kinh tế trong 8 tháng đầu năm

1. Giải ngân 250,5 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công

 

Tổng cục Thống kê cho biết, tính chung 8 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 250,5 nghìn tỷ đồng, bằng 50,7% kế hoạch năm 2020.


Theo Tổng cục Thống kê, với quyết tâm vừa đẩy lùi dịch bệnh vừa phát triển kinh tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ, nỗ lực tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình.

 

Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tháng 8 và 8 tháng năm 2020 lần lượt tăng 45,4% và tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.

 

Theo đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tháng 8/2020 ước tính đạt 47,4 nghìn tỷ đồng, tăng 45,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: vốn Trung ương quản lý 8,7 nghìn tỷ đồng, tăng 86,7%; vốn địa phương quản lý 38,7 nghìn tỷ đồng, tăng 38,5%.

 

Tính chung 8 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN đạt 250,5 nghìn tỷ đồng, bằng 50,7% kế hoạch năm và tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 bằng 50,1% và tăng 5,4%).

 

Liên quan giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, đến nay đã có 52/53 các bộ, cơ quan trung ương và 63/63 địa phương có phương án phân bổ vốn NSNN năm 2020.

 

Tổng số vốn NSNN các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã có quyết định/văn bản giao chi tiết cho các dự án đủ điều kiện giải ngân vốn là 455.491 tỷ đồng, đạt 95,4% kế hoạch đầu tư vốn được Thủ tướng Chính phủ giao (477.573 tỷ đồng).

 

2. Xuất khẩu tháng 8 tăng 6,5%, 8 tháng tăng 1,6%

 

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2020 ước đạt 26,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với tháng trước (chủ yếu do Công ty Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm phiên bản mới Note 20), trong đó khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu đạt 9,5 tỷ USD, tăng 4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 17 tỷ USD, tăng 8%.


So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu tháng 8 tăng 2,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 18,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 4,6%.

 

Tính chung 8 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 174,11 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là điểm sáng với kim ngạch xuất khẩu đạt 60,80 tỷ USD, tăng 15,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 113,31 tỷ USD (chiếm 65,1% tổng kim ngạch xuất khẩu), giảm 4,5%.

 

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2020 ước đạt 23 tỷ USD, tăng 4,1% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 10,3 tỷ USD, tăng 0,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 12,7 tỷ USD, tăng 7,5%.

 

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu tháng 8/2020 ước tăng 2,8%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 13,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 4,4%.

 

Tính chung 8 tháng năm 2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 162,21 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 72,05 tỷ USD, tăng 2,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 90,16 tỷ USD, giảm 6,0%.

 

3. CPI tháng 8 tăng 0,07%, bình quân 8 tháng tăng 3,96%

 

Theo thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2020 tăng 0,07% so với tháng trước và giảm 0,12% so với tháng 12/2019. Các chỉ số này đều là mức thấp nhất trong giai đoạn 2016 - 2020.


Trong mức tăng 0,07% của CPI tháng 8/2020 so với tháng trước có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, trong đó: Nhóm giáo dục tăng nhiều nhất với 0,18% do một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện tăng học phí năm học mới 2020 - 2021 và giá các mặt hàng sách vở, đồ dùng học tập tăng do nhu cầu mua sắm để chuẩn bị cho năm học mới.

 

Bên cạnh đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,11%, trong đó: lương thực tăng 0,6%; thực phẩm tăng 0,08%. Nhóm giao thông tăng 0,1% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 28/7/2020 và điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm 12/8/2020 làm chỉ số giá xăng, dầu tăng 0,41%.

 

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng cùng mức tăng 0,1%, chủ yếu do giá điện, nước sinh hoạt tăng lần lượt là 0,39% và 0,48% và do giá dầu hỏa tăng 1,93%, giá gas tăng 0,55%. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,05%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; nhóm hàng hóa, dịch vụ khác tăng 0,2%.

 

Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm: nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,2% do nhu cầu du lịch của người dân giảm mạnh khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,05%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,03%. Riêng nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình không thay đổi.

 

Tính chung, CPI tháng 8/2020 giảm 0,12% so với tháng 12/2019 và tăng 3,18% so với cùng kỳ năm trước; CPI bình quân 8 tháng năm 2020 tăng 3,96% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

 

Mặt khác, lạm phát cơ bản tháng 8/2020 giảm 0,01% so với tháng trước và tăng 2,16% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng năm 2020 tăng 2,66% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

 

4. Thu hút 19,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài

 

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/8/2020 (gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 19,5 tỷ USD, giảm 13,7% so với cùng kỳ năm trước.


Tính đến ngày 20/8 có 1.797 dự án được cấp phép mới, với số vốn đăng ký đạt 9,7 tỷ USD, giảm 25,3% về số dự án và tăng 6,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 718 lượt dự án (đã được cấp phép từ các năm trước) đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với số vốn tăng thêm đạt 4,9 tỷ USD, tăng 22,2%; có 4.804 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn đạt 4,9 tỷ USD, giảm 48,2%.

 

Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 1.137 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp, với giá trị vốn góp là 1,8 tỷ USD và 3.667 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị hơn 3,1 tỷ USD.

 

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện 8 tháng ước tính đạt 11,4 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt gần 8,1 tỷ USD, chiếm 71,1% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,7 tỷ USD, chiếm 14,9%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 0,8 tỷ USD, chiếm 7%.

 

Trong 8 tháng năm 2020, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 4,5 tỷ USD, chiếm 46,1% tổng số vốn đăng ký cấp mới; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt hơn 4 tỷ USD, chiếm 41,5%; các ngành còn lại đạt 1,2 tỷ USD, chiếm 12,4%.

 

Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn FDI vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt gần 8 tỷ USD, chiếm 54,7% tổng số vốn; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 3,9 tỷ USD, chiếm 26,6%; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,6 tỷ USD, chiếm 11,3%; các ngành còn lại đạt 1,1 tỷ USD, chiếm 7,4%.

 

Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt hơn 1,3 tỷ USD, chiếm 26,9% tổng vốn; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,2 tỷ USD, chiếm 24,9%; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 0,7 tỷ USD, chiếm 14,8%; các ngành còn lại đạt 1,7 tỷ USD, chiếm 33,4%.

 

Trong số 70 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 8 tháng, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 4,6 tỷ USD, chiếm 47,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc 1.039,5 triệu USD, chiếm 10,7%; Trung Quốc 1.025,7 triệu USD, chiếm 10,5%.

 

5. Gần 89.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới

 

Theo Tổng cục Thống kê, dịch Covid-19 mới xuất hiện trở lại vào cuối tháng 7/2020 nên chưa ảnh hưởng quá nặng nề đến tâm lý cộng đồng doanh nghiệp, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 8 vẫn tăng 1,5% so với tháng trước, vốn đăng ký tăng 20,7%.


Tính chung 8 tháng, cả nước có 88,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.225,2 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 694,9 nghìn lao động, giảm 2% về số doanh nghiệp, tăng 6,5% về vốn đăng ký và giảm 16,5% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
 

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng đạt 13,8 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 1.993,2 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 26,1 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 8 tháng năm nay là 3.218,4 nghìn tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước.

 

Bên cạnh đó, còn có 32,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 27,9% so với 8 tháng năm 2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 8 tháng lên 121,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, trung bình mỗi tháng có gần 15,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

 

Đồng thời, trong 8 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là gần 34,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 70,8% so với cùng kỳ năm trước; 24,2 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 5,9%; 10,4 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 1,9%.

 

Theo Thời báo kinh doanh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang